Dòng tin tốt đưa chứng khoán châu Á đồng loạt “xanh” phiên đầu tuần
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á đồng loạt tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi tín hiệu mềm mỏng từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và dữ liệu khả quan về thị trường việc làm Mỹ xoa dịu phần nào nỗi lo của thị trường về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo tin từ Reuters, thị trường chứng khoán Trung Quốc trở nên vững hơn sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ vào hôm thứ Sáu bằng cách cắt giảm 1 điểm phần trăm trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Động thái của PBoC giải phóng lượng vốn 117 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, giúp các nhà băng có thêm vốn cho vay.
"Năm nay, PBoC có thể có thêm 4 đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mỗi đợt giảm 1 điểm phần trăm nữa. Và trong bối cảnh không có sự thoái vốn ồ ạt gây áp lực giảm giá đồng Nhân dân tệ, nhiều khả năng PBoC sẽ tiến hành hạ lãi suất", ông Ray Attrill, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối thuộc National Australia Bank, nhận định.
Một thông tin khả quan nữa là các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại tại Bắc Kinh, đánh dấu cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên trong năm 2019.
Ngày Chủ nhật, Tổng thống Donald Trump nói việc đàm phán đang diễn ra rất suôn sẻ. Nhà lãnh đạo cũng cho rằng sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể là một lý do để Bắc Kinh đi đến một thỏa thuận với Washington.
Chỉ số CSI 200 của các cổ phiếu blue-chip trên sàn Thượng Hải tăng 0,4% trong phiên đầu tuần, sau khi tăng hơn 2% trong phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số Shanghai Composite Index tăng 0,72%.
Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc nhảy 1,34%, chỉ số ASX 200 của chứng khoán Australia tăng 1,14%.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1,3%. Chứng khoán Nhật ghi nhận mức tăng 2,44% của chỉ số Nikkei 225 và mức tăng 2,81% của chỉ số Topix.
Tâm lý ham thích rủi ro của giới đầu tư toàn cầu nhận được một cú huých vào hôm thứ Sáu khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy khu vực phi nông nghiệp nước này có thêm 312.000 công việc mới trong tháng 12 và tiền lương tăng với tốc độ mạnh 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, Chủ tịch FED Jerome Powell lên tiếng trấn an thị trường, nói rằng FED sẽ kiên nhẫn và linh hoạt trong các quyết định chính sách trong năm nay.
Sau tuyên bố của FED, thị trường càng tin rằng FED có thể sẽ tạm dừng việc nâng lãi suất trong năm nay, thậm chí có thể hạ lãi suất.
Vào ngày thứ Năm tuần này, ông Powell sẽ có thêm một bài phát biểu nữa để bày tỏ lập trường chính sách tiền tệ. Ngoài ra, có ít nhất 8 quan chức khác của FED dự kiến có phát biểu trong tuần.
Loạt tin tốt nói trên đã giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số Dow Jones tăng 3,29%, S&P 500 tăng 3,43%, và Nasdaq tăng 4,26%.
Một báo cáo của ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nói rằng thị trường chứng khoán toàn cầu đã mất 19,9 nghìn tỷ USD vốn hóa từ tháng 1 năm ngoái, và một lượng vốn kỷ lục 84 tỷ USD đã bị rút ròng khỏi thị trường chứng khoán thế giới chỉ trong vòng 6 tuần qua.
Theo báo cáo trên, trong số 2.767 cổ phiếu của các công ty Mỹ và toàn cầu được Bank of America Merrill Lynch theo dõi, hiện có 2.055 cổ phiếu đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Báo cáo khuyến nghị giờ có thể là lúc nên mua vào cổ phiếu.
"Chỉ số Giá lên & Giá xuống (Bull & Bear Indicator) của chúng tôi đã rơi vào trạng thái ‘giảm quá nhiều’, kích hoạt tín hiệu ‘mua’ đối với các tài sản rủi ro lần đầu tiên kể từ tháng 6/2016", báo cáo có đoạn viết.
Bản báo cáo khuyến nghị mua cổ phiếu Trung Quốc và Đức, các cổ phiếu nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ, trái phiếu chính phủ, cổ phiếu năng lượng, đồng USD, trái phiếu Eurozone có lợi suất cao, và đồng tiền của các quốc gia mới nổi.