Đồng USD được dự báo sẽ còn giảm giá
Đồng USD đang hướng đến quý giảm giá sâu nhất trong 5 năm, mức giảm từ đầu năm 2016 cho đến nay lên tới 3,9%
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, đồng USD giảm giá trên tất cả các thị trường sau tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen về triển vọng của kinh tế toàn cầu, theo tin từ Wall Street Journal.
Trên thị trường New York, chỉ số USD đo “sức khỏe” của đồng USD so với giỏ 16 loại tiền tệ lớn của thế giới, giảm 0,4% xuống 86,73 điểm.
Đồng Euro tăng giá 0,4% lên 1,1334 USD/Euro, chạm mức cao nhất trong 7 tuần giao dịch. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, đồng Euro đã tăng 3,81% giá trị so với đồng USD.
So với đồng Franc Thụy Sỹ, đồng USD rớt xuống mức thấp nhất trong 5 tháng và chốt phiên ở mức 0,9592 USD/Franc.
Cũng trong ngày thứ Tư, đồng USD đồng thời hạ giá so với đồng nội tệ của các nước mới nổi, cụ thể đồng USD giảm 0,8% so với đồng Real của Brazil, hạ 1,5% so với đồng Rand của Nam Phi. Trên thị trường Tokyo ngày thứ Tư, đồng USD giảm giá so với đồng Yên.
Đồng USD đang hướng đến quý giảm giá sâu nhất trong 5 năm, mức giảm từ đầu năm 2016 cho đến nay lên tới 3,9%.
Trong bài phát biểu tại buổi họp chính sách của FED vào ngày thứ Ba, bà Janet Yellen khẳng định diễn biến tình hình kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế Mỹ, chính vì thế lãi suất cơ bản đồng USD của Mỹ sẽ được điều chỉnh nâng chậm hơn.
Tuyên bố này của bà lập tức khiến đồng USD giảm sâu trong phiên ngày thứ Ba và tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Tư.
Đây là lần thứ hai trong tháng những tuyên bố của bà Yellen gây xáo trộn thị trường tiền tệ. Trong buổi họp chính sách của FED vào giữa tháng 3 bà cũng đưa ra quan điểm tương tự về hướng đi của lãi suất đồng USD. Chỉ số USD đã rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 6/2015 trong tháng 3 này.
Chuyên gia chiến lược tiền tệ tại công ty chứng khoán RBS Securities, Brian Daingerfield, khẳng định đồng USD sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực giảm giá trong bối cảnh FED đã điều chỉnh hướng nâng lãi suất khác với kỳ vọng của thị trường trong năm 2015.
Dù gần đây thị trường việc làm và tiêu dùng Mỹ có nhiều cải thiện, FED vẫn rất lo lắng về những rủi ro đối với kinh tế Mỹ từ bên ngoài.
Dù gần đây thị trường việc làm và tiêu dùng Mỹ có nhiều cải thiện, FED vẫn rất lo lắng về những rủi ro đối với kinh tế Mỹ từ bên ngoài.
Chuyên gia phân tích thị trường tiền tệ tại Citigroup, ông Steven Englander cho rằng tuyên bố mới nhất của bà Janet Yellen có thể đánh dấu bước ngoặt của thị trường tiền tệ khi mà nhà đầu tư không còn kỳ vọng vào khả năng tăng giá của đồng USD.
Báo cáo mới nhất từ ADP Employment cho thấy trong tháng 2, khối doanh nghiệp tư nhân Mỹ đã tạo ra thêm được 200 nghìn việc làm mới.
Thông tin đồng USD hạ giá thông thường sẽ giúp giá dầu tăng mạnh tuy nhiên khả năng đó đã không xảy ra trong phiên hôm qua bởi những thông tin mới công bố cho thấy dự trữ xăng dầu dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rất cao.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 tăng 4 cent tương đương 0,1% lên 38,32 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 12 cent tương đương 0,3% lên mức 39,26 USD/thùng.
Như vậy, dù chỉ tăng nhẹ trong phiên hôm qua nhưng chuỗi nhiều phiên giảm giá của hai loại dầu đã tạm thời chấm dứt.
Hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ xăng, dầu đốt nóng và dầu diesel giảm 3,6 triệu thùng trong tuần qua, cao hơn nhiều so với dự báo. Thế nhưng ngay cả như vậy thì dự trữ năng lượng nói chung của Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất trong hơn 8 thập kỷ.
Những phiên gần đây, giá dầu trên các thị trường mất đi đà tăng mạnh của nhiều phiên trước đó bởi hàng loạt các chuyên gia cảnh báo dự trữ dầu thế giới vẫn ở mức quá cao và hiện chưa có động thái nào rõ ràng về việc giảm sản lượng từ các nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới.