Dòng vốn ngoại từ MSCI vào Việt Nam sẽ không được như kỳ vọng
Ước tính tỷ trọng của Việt Nam tại chỉ số MSCI mới sau khi cơ cấu chỉ đạt 16,15%, trong khi nếu theo chỉ số MSCI cũ lên tới 28,76%
Sau khi Kuwait được nâng hạng, giới chuyên môn đặt khá nhiều vào kỳ vọng dòng vốn ngoại từ Ishare MSCI Frontier Markets 100 ETF sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhưng có vẻ như dòng vốn này sẽ không được như kỳ vọng.
Như đã biết, hồi tháng 11 năm ngoái, Kuwait chính thức được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đồng thời, do chỉ số MSCI Frontier Markets 100 chỉ tập trung vào cổ phiếu tại thị trường cận biên nên tỷ trọng cổ phiếu Kuwait sẽ được MSCI giảm tỷ trọng từ 25,39% về 0% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu các quốc gia còn lại trong rổ chỉ số.
Cụ thể, tăng 20% tỷ trọng tăng thêm ở các quốc gia trong tháng 11/2020; tăng 25% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 2/2021; tăng 33% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 5/2021; tăng 50% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 8/2021 và chính thức hoàn tất 100% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 11/2021.
Như vậy, ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong MSCI Frontier Markets 100 được nâng dần từ 12,53% lên 15,76% trong tháng 11/2020; 16,57% trong tháng 2/2021; 17,87% trong tháng 5/2021; 20,64% trong tháng 8/2021 và 28,76% trong tháng 11/2021.
Tính tới 31/3/2021, cổ phiếu Việt Nam chiếm 16,45% tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100, đứng thứ hai sau Kuwait (20,26%). Trong Top 10 cổ phiếu thành phần của chỉ số, Việt Nam có hai cổ phiếu là VIC và HPG, lần lượt chiếm 2,48% và 2,4%.
Nếu đúng theo lộ trình, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng thêm trong tháng 5 tới và tăng mạnh trong tháng 8, tháng 11/2021.
Vì quỹ iShare MSCI Frontier Frontier 100 ETF sử dụng bộ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 làm chỉ số tham chiếu nên tại một hội thảo chứng khoán đầu năm 2021, một số chuyên gia đã ước tính dòng vốn ròng từ quỹ này đổ vào thị trường Việt Nam sẽ lên tới 65 triệu USD. Đồng thời, hàng loạt quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số MSCI này cũng dự kiến rót vốn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới cập nhật của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI, quỹ iShares MSCI Frontier Markets 100 ETF đã thực hiện một thay đổi quan trọng trong việc chuyển sang sử dụng chỉ số MSCI Frontier and Emerging Markets Select làm chỉ số cơ sở mới để thay thế chỉ số MSCI Frontier Markets 100, có hiệu lực từ ngày 1/3/2021. Quỹ cũng được đổi tên thành iShares MSCI Frontier and Select EM ETF.
Được biết, chỉ số MSCI mới không chỉ tập trung 100% vào cổ phiếu tại thị trường cận biên mà còn đưa thêm cổ phiếu ở thị trường mới nổi vào danh mục. Thông tin ban đầu, chỉ số MSCI mới sẽ có ít nhất 60 cổ phiếu tại thị trường cận biên, số cổ phiếu tại thị trường mới nổi bằng 1/3 số cổ phiếu tại thị trường cận biên.
Mặt khác, về giới hạn tỷ trọng quốc gia, tối đa 40% cho tổng tỷ trọng của hai quốc gia lớn nhất trong thị trường cận biên và giới hạn 5% cho mỗi quốc gia tại thị trường mới nổi.
Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trong thị trường mới nổi đều đủ điều kiện để đưa vào chỉ số. Chỉ các quốc gia mới nổi có quy mô nhỏ đáp ứng 2 tiêu chí. Thứ nhất, tỷ trọng của quốc gia này trong chỉ số MSCI ACWI (chỉ số chứng khoán bao gồm các thị trường phát triển và mới nổi trên toàn cầu) dưới 10 % trong ít nhất 3 năm liên tiếp hoặc dưới 5% trong ít nhất 2 năm liên tiếp. Thứ 2, thu nhập bình quân đầu người của quốc gia thấp hơn ngưỡng thu nhập trung bình cao của Ngân hàng Thế giới.
Danh sách các thị trường mới nổi đủ điều kiện vào chỉ số hiện tại bao gồm Argentina, Colombia, Ai Cập, Kuwait, Pakistan, Peru và Philippines.
Do đó, theo số liệu mới nhất của SSI, ước tính tỷ trọng của Việt Nam tại chỉ số MSCI mới sau khi cơ cấu chỉ đạt 16,15% (dự kiến ban đầu đạt 28,76%). Dòng vốn hưởng lợi từ việc MSCI cơ cấu cũng không được như kỳ vọng.