08:18 13/02/2024

Đột phá bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhĩ Anh

Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế xã hội, cần có sự đột phá trong hoạch định chính sách, pháp luật, xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học và công nghệ, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2023 là năm Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung nhiều cho việc hoàn thiện môi trường thể chế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Theo đánh giá của lãnh đạo Chính phủ, "khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm qua có nhiều điểm sáng".

CHỈ SỐ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LIÊN TỤC CẢI THIỆN

"Điểm sáng" đầu tiên của ngành thể hiện ở Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam năm 2023 tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, việc chỉ số GII liên tục được cải thiện trong 13 năm qua, luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.

Đột phá bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh 1

Bên cạnh đó, lần đầu tiên, bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được xây dựng, triển khai trên toàn quốc, giúp Việt Nam có thêm công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á và đứng thứ 58 thế giới.

Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023).

Đặc biệt, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được cụ thể hóa bằng các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030, cân đối cho cả ba lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành khác kiến tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Nhà máy đầu tiên sản xuất chip bán dẫn là doanh nghiệp công nghệ cao đã được Bộ cấp chứng nhận.

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Mặc dù có nhiều điểm sáng, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu, quản lý tài sản công; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu.

Cơ chế, chính sách tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ hiện còn nhiều vướng mắc trong xây dựng kế hoạch; lập, giao dự toán; thanh quyết toán...

Bên cạnh đó, trên thị trường khoa học và công nghệ còn tồn tại nhiều rào cản, vướng mắc, điểm nghẽn.

Đột phá bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh 2

Nhìn nhận những vấn đề này, GS. Lê Minh Thắng, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng đa số các nhà khoa học ở Việt Nam chủ yếu làm nghiên cứu cơ bản. Nguyên nhân vì nghiên cứu ứng dụng chưa có nhiều môi trường phát triển, các công ty chưa dành nhiều đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D). Hơn nữa, cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn thiếu thốn, chưa đủ điều kiện để các nhà khoa học có khả năng phục vụ những nghiên cứu thực tế.

Ngoài ra, thủ tục liên quan đến tài chính đối với các đề tài nghiên cứu khoa học còn cứng nhắc, hành chính hóa, không phù hợp với diễn biến thực tế của nghiên cứu.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ rõ: công tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội hiện còn tồn tại một số “rào cản” như: vấn đề xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; chính sách về đổi mới sáng tạo…

Để tháo gỡ những vướng mắc tồn tại này, đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của quốc gia và khu vực, ông Sơn cho rằng cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô

TẠO CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ, ĐẶC THÙ

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kết luận phiên chất vấn lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ các rào cản về hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư, thủ tục hành chính theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 690/TTg-KGVX yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 của Chính phủ trước Quốc hội cũng nhấn mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp. Có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đột phá bằng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Ảnh 3