09:00 30/04/2022

Dow Jones “bay” hơn 900 điểm trong phiên cuối tháng

Bình Minh

Thị trường đi qua một tháng u ám, khi nhà đầu tư phải đương đầu với hàng loạt trở ngại, từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng, lạm phát dai dẳng, và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc, cho tới cuộc chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: WSJ.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: WSJ.

Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên giảm điểm mạnh vào ngày thứ Sáu (29/4), đưa chỉ số Nasdaq hoàn tất tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2008, khi Amazon trở thành “nạn nhân” mới nhất của xu hướng bán tháo cổ phiếu công nghệ. Giá dầu thô tăng trong tháng 4, khi mối lo thiếu hụt nguồn cung vẫn phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư.

Lúc đóng cửa, Nasdaq sụt gần 4,2%, còn 12.334,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 3,6%, còn 4.131,93 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 939,18 điểm, tương đương giảm 2,8%, còn 32.977,21 điểm.

Với phiên giảm này, cả Nasdaq và S&P 500 cùng thiết lập mức đáy mới kể từ đầu năm.

Thị trường đi qua một tháng u ám, khi nhà đầu tư phải đương đầu với hàng loạt trở ngại, từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất tăng, lạm phát dai dẳng, và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Trung Quốc, cho tới cuộc chiến tranh tiếp diễn ở Ukraine.

“Thị trường đang cố gắng cân bằng giữa nhiều trở ngại khác nhau”, nhà quản lý đầu tư Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management nhận định. “Với việc Fed nâng lãi suất và tất cả những bấp bênh mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt, rất khó để có thể hứng thú với việc mua cổ phiếu ở hệ số P/E phổ biến hiện nay”.

Nasdaq đã giảm khoảng 13,3% trong tháng 4, đánh dấu tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2008 - thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu. S&P 500 mất 8,8% tháng này, hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 - thời điểm khi Covid mới trở thành đại dịch toàn cầu. Dow Jones giảm 4,9% cả tháng.

Cổ phiếu công nghệ là tâm điểm của đợt bán tháo trong tháng 4 ở Phố Wall, khi lãi suất tăng lên gây bất lợi cho định giá của nhóm này. Ngoài ra, những nút thắt chuỗi cung ứng do Covid và chiến tranh cũng gây gián đoạn hoạt động của nhiều công ty công nghệ.

Cổ phiếu Amazon lao dốc 14% trong phiên ngày thứ Sáu, phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2006, sau khi “đế chế” bán lẻ trực tuyến bất ngờ báo lỗ và đưa ra dự báo doanh thu gây thất vọng cho quý 2.

“Tình hình thị trường hiện nay đang đe doạ biến sự ‘điều chỉnh’ kéo dài và gây nhiều tổn thất này thành một thứ gì đó tồi tệ hơn”, Chủ tịch Michael Shaoul của Marketfield Asset Management nhận định.

“Vào tháng 3/2020, thị trường đã giảm rất mạnh, nhưng phục hồi cũng nhanh không kém. Đợt giảm hiện tại của thị trường có vẻ như sẽ gây ra thua lỗ kéo dài hơn đối với những nhà đầu tư đổ tiền mua cổ phiếu trong đợt tăng của năm 2021. Có khả năng xuất hiện tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) lan rộng, dần chiếm lấy cả những nhóm cổ phiếu vốn trước đây giữ vai trò trụ cột”.

Hiện tại, Nasdaq đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, giảm 23,9% so với kỷ lục. S&P 500 giảm 14,3%; và Dow Jones giảm 10,8%.

Phiên ngày thứ Sáu khép lại một trong những tuần bận rộn nhất của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021, đặc biệt đối với các cổ phiếu công nghệ. Apple giảm 3,7% vì dự báo những trở ngại về chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu doanh thu quý 3 của hãng. Intel giảm 6,9% vì dự báo ảm đạm về kết quả kinh doanh quý 2.

Đến hiện tại, khoảng một nửa số doanh nghiệp trong S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý 1, trong đó có khoảng 80% đạt lợi nhuận vượt dự báo – theo dữ liệu của FactSet.

“Mùa báo cáo kết quả kinh doanh đến hiện tại là khả quan. Nhưng những kết quả tích cực này có vẻ đang bị che mờ bởi những mối lo lớn hơn liên quan đến lạm phát và Fed”, chuyên gia Brian Belski của BMO nhận định.

Dữ liệu lạm phát công bố ngày thứ Sáu một lần nữa phản ánh môi trường khó khăn đối với giời đầu tư ở Phố Wall. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi - một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuần tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là cuộc họp của Fed, báo cáo việc làm tháng 4, và loạt báo cáo tài chính từ những công ty như Pfizer, Starbucks, Uber…

Từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã giảm 13,3%; Nasdaq giảm 21,2%; và Dow Jones mất 9,3% điểm số.

Giá dầu thô Brent giao sau 2 tháng, loại đang được giao dịch nhiều hơn, tại thị trường London giảm 0,12 USD/thùng, đóng cửa ở 107,14 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng kế tiếp tăng 1,75 USD/thùng, chốt ở 109,34 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao tháng kế tiếp tại New York giảm 0,67 USD/thùng, còn 104,69 USD/thùng.

Giá cả hai loại dầu cùng tăng trong tuần này và hoàn tất tháng tăng thứ 5 liên tiếp. Cả tháng, giá dầu Brent tăng 1,3% và giá dầu WTI tăng 4,4%.

Dù chịu áp lực giảm từ phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc, giá dầu tiếp tục được hỗ trợ bởi mối lo gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, khi quan hệ giữa Nga và phương Tây vẫn căng thẳng và cuộc chiến tranh Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.