Chứng khoán Mỹ phục hồi rực rỡ, giá dầu tăng mạnh sau tin từ Đức
Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (28/4), khi Meta Platforms công bố kết quả kinh doanh khả quan và thị trường nỗ lực đứng lên sau đợt bán tháo trong tháng 4...
Giá dầu cũng tăng mạnh sau khi có tin Đức không còn phản đối việc cấm vận dầu thô Nga.
Lúc đóng cửa, chỉ số Nasdaq tăng 3,1%, đạt 12.871,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,5%, đạt 4.278,5 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 614,46 điểm, tương đương tăng 1,9%, đạt 33.916,39 điểm.
Nhà đầu tư ở Phố Wall đã trải qua những phiên giao dịch đầy biến động trong tuần này, khi các chỉ số giằng co tìm xu hướng. Thị trường đã tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai, nhưng rồi lại lao dốc trong phiên ngày thứ Ba, với Nasdaq ghi nhận phiên giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Phiên ngày thứ Tư, các chỉ số nỗ lực hồi phục, nhưng Dow Jones và S&P 500 chỉ giữ được thành quả tăng ít ỏi đến cuối phiên, còn Nasdaq gần như đi ngang ở mức đáy kể từ đầu năm.
“Chúng ta đang có một cuộc bán tháo mạnh. Đôi lúc, thị trường sẽ có những diễn biến ngược xu hướng như phiên này”, chiến lược gia Liz Ann Sonders của Charles Schwab phát biểu.
Mặc phiên tăng này, Nasdaq đang tiến tới hoàn tất tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020, hiện đã giảm 9,5% từ đầu tháng. S&P 500 giảm gần 5,4%, trong khi Dow Jones mất 2,2%, dù chỉ có một ngày giao dịch nữa là khép lại tháng 4.
Loạt báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp lớn đã chi phối tâm lý của thị trường trong phiên ngày thứ Năm. Một số con số khả quan đã “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư bắt đáy những cổ phiếu đã giảm sâu.
“Đây là một mùa báo cáo kết quả kinh doanh tương đối tốt, và điều đó hỗ trợ cho thị trường”, chiến lược gia Victoria Fernandez của Crossmark Global Investments nhận định.
Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, tăng 17,5% sau khi công ty đưa ra mức lợi nhuận vượt dự báo. Nhà đầu tư thở phào vì xem đây là một sự giải toả đối với nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo thời gian qua. Trước khi Meta công bố kết quả kinh doanh, cổ phiếu công ty này đã giảm 48% từ đầu năm.
Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng chốt phiên trong sắc xanh rực rỡ, như Qualcomm tăng 9,7%, PayPal tăng 11,5%, Apple và Amazon đều tăng hơn 4%.
Trong tháng 4 này, chứng khoán Mỹ đã chật vật vì sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ bất ngờ giảm 1,4% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự báo của thị trường đưa ra trước đó là tăng 1%.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tỏ ra không lo lắng về sự sụt giảm này, nhấn mạnh rằng sự leo thang của giá cả và thâm hụt thương mại là những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới đi xuống. “Xét cho cùng, thâm hụt thương mại cao kỷ lục và mức lạm phát gần 8% là lý do khiến GDP giảm”, Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group nhận định.
Gía dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,27 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 107,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,34 USD/thùng, tương đương tăng 3,3%, chốt ở 105,36 USD/thùng.
Dầu tăng giá phiên này do khả năng cao Đức sẽ cùng với các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga. Một động thái như vậy sẽ siết chặt hơn nữa nguồn cung dầu vốn đã căng thẳng hiện nay.
Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng nền kinh tế lớn nhất EU có thể chịu được một lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô Nga và Đức sẽ tìm cách để thay thế dầu Nga bằng những nguồn dầu khác.
“Đức đang cho thấy họ quyết định thôi phản đối việc trừng phạt dầu Nga. Việc này sẽ làm giảm hơn nữa nguồn cung dầu từ Nga ra thị trường toàn cầu”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của Ritterbusch and Associate phát biểu.
Đức vốn có sự phụ thuộc lớn vào nhập khẩu năng lượng từ Nga và đến nay vẫn phản đối việc cấm vận năng lượng từ Nga, trong đó có dầu thô. Trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, Nga chiếm khoảng 1/3 nguồn cung dầu của Đức. Tháng trước, ông Habeck cho biết Đức đã giảm mức phụ thuộc vào dầu nhập khẩu từ Nga xuống còn 25%.
Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga mà hãng tin Reuters thu thập được, sản lượng dầu Nga có thể giảm tới 17% trong năm nay. Trong khi đó, liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga vẫn giữ nguyên tốc độ tăng sản lượng chậm chạp. Theo dự báo, nhóm này sẽ không đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng trong cuộc họp vào ngày 5/5.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD. Trong phiên ngày thứ Năm, đồng bạc xanh tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ. Dầu được định giá bằng USD, nên đồng USD tăng giá có thể kéo giá dầu xuống, và ngược lại.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu sức ép giảm từ phong toả chống Covid ở Trung Quốc. Thượng Hải vẫn đang phong toả và Bắc Kinh đang ra sức chống dịch bùng phát. Giới quan sát lo ngại, đợt bùng dịch này và chiến lược zero-Covid mà Trung Quốc quyết tâm theo đuổi sẽ gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.