Dow Jones giảm liền 6 phiên, giá dầu giằng co, Bitcoin vẫn giảm
Đợt giảm này đã xoá phần lớn thành quả tăng mà chứng khoán Mỹ có được kể từ mức đáy do đại dịch Covid-19 gây nên vào tháng 3/2020...
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (12/5), với chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 6 liên tiếp. Giá dầu giằng co do những yếu tố tác động trái chiều, trong khi giá Bitcoin tiếp tục đà giảm của những ngày gần đây.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,13%, còn 3.930,08 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 0,33%, còn 31.730,3 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,06%, đạt 11.370,96 điểm.
Như vậy, trong 6 phiên giao dịch liên tiếp vừa qua, Dow Jones không có phiên nào kết thúc trong sắc xanh. S&P 500 đến nay cũng đã giảm hơn 18% so với mức đỉnh mọi thời đại. Chỉ số sẽ rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) nếu giảm 20% so với đỉnh. Nasdaq, dù tăng nhẹ phiên này, vẫn đang ở trong thị trường đầu cơ giá xuống, giảm 29% so với đỉnh kỷ lục.
Chứng khoán Mỹ đã “đổ đèo” trong mấy tháng gần đây. Ban đầu, sự sụt giảm diễn ra ở những cổ phiếu công nghệ có mức định giá lớn trong khi công ty còn chưa có lãi. Sau đó, sắc đỏ lan sang cả những cổ phiếu có dòng tiền lành mạnh. Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, cổ phiếu Apple rơi vào trạng thái thị trường giá xuống, trở thành doanh nghiệp mới nhất trong số các Big Tech “đầu hàng” trước sự bán tháo dữ dội.
Đợt giảm này đã xoá phần lớn thành quả tăng mà chứng khoán Mỹ có được kể từ mức đáy do đại dịch Covid-19 gây nên vào tháng 3/2020.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chứng khoán Mỹ đã rơi vào tình trạng bong bóng, và giờ đây, nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi bong bóng đó”, chiến lược gia Dirk Willer của Citigroup nhận định.
Một lý do quan trọng khiến chứng khoán Mỹ trầy trật trong những tháng gần đây là lạm phát cao và nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế đà tăng của giá cả. Phát biểu trên đài NPR ngày 12/5, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng ông không thể đảm bảo một sự “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế, tức kéo lạm phát xuống mà không gây ra suy thoái.
Thị trường đã có hai tuần hồi phục sau đợt nâng lãi suất đầu tiên của Fed hồi tháng 3, nhưng sự tăng đó nhanh chóng bị đảo ngược khi bán tháo dữ dội xuất hiện trong tháng 4 và kéo dài tới hiện tại. Đã có một số dấu hiệu - chẳng hạn các cuộc thăm dò tâm lý nhà đầu tư và ổn định nhất định trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trong tuần này – cho thấy thị trường có thể sắp tìm được đáy. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư và chiến lược gia cho rằng thị trường có thể giảm sâu hơn nữa trước khi có thể phục hồi.
“Thị trường đang khao khát một mức đáy, một sự phục hồi mang tính giải toả. Nhưng cuối cùng, bán tháo vẫn chưa đến mức đỉnh điểm”, chiến lược gia Andrew Smith của Delos Capital Advisors phát biểu.
Các diễn biến trên thị trường tiền ảo tuần này cũng khiến Phố Wall bất an, với Bitcoin tuột khỏi mốc 30.000 USD và các đồng stablecoin chật vật giữ neo buộc tỷ giá.
Lúc gần 8h sáng nay (13/5) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 29.215 USD, giảm 2,3% so với cách đó 24 tiếng. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đã giảm gần 20%.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,06 USD/thùng, còn 107,45 USD/thùng. Giá dầu WTI chốt phiên với mức tăng 0,4%, đạt 106,13 USD/thùng.
Giá dầu đang một mặt chịu áp lực giảm từ mối lo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng mặt khác cũng được hỗ trợ bởi khả năng gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga và căng thẳng địa chính trị ở châu Âu.
“Giao dịch của phiên này diễn ra thưa thớt và chẳng ai biết chắc yếu tố nào đang chi phối thị trường nhiều nhất”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.
Trước đó, giá dầu tăng 5% trong phiên ngày thứ Tư sau khi Nga trừng phạt 31 công ty có trụ sở ở các nước đã trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Động thái này của Nga gây bất an trên thị trường, vào đúng thời điểm dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu qua Ukraine giảm 1/4 do ảnh hưởng của các cuộc giao tranh. Đây là lần đầu tiên dòng khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi chiến tranh nổ ra.