09:43 07/03/2009

Dow Jones và S&P 500 bất ngờ thoát hiểm

Duy Cường

Ngày 6/3, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã bất ngờ tăng điểm vào cuối ngày giao dịch trước tin hỗ trợ từ Anh

Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 7% và trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008, chỉ số Dow Jones mất 6,2%, chỉ số Nasdaq trượt 6,1% - Ảnh: Reuters.
Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 7% và trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008, chỉ số Dow Jones mất 6,2%, chỉ số Nasdaq trượt 6,1% - Ảnh: Reuters.
Ngày 6/3, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã bất ngờ tăng điểm vào cuối ngày giao dịch trước tin hỗ trợ từ Anh.

Hôm thứ Sáu, Bộ Lao động Mỹ đã cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 2/2009 đã tăng lên 8,1% - mức cao nhất trong 25 năm qua, từ 7,6% trong tháng 1/2009.

Trong tháng 2, ở Mỹ có 651.000 người bị thất nghiệp, trong đó ngành sản xuất đã cắt giảm 168.000 việc làm, ngành xây dựng cắt giảm 104.000 việc làm, ngành dịch vụ cắt giảm 375.000 việc làm...

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong tuần

Ngày 6/3, ngân hàng lớn thứ tư ở Mỹ - Wells Fargo cho biết sẽ cắt giảm 85% tỷ lệ chi trả cổ tức để tiết kiệm 5 tỷ USD trong 1 năm. Ngân hàng này cũng cho biết sẽ cắt giảm các khoản chi phí trị giá 2 tỷ USD bắt đầu từ quý 2/2009. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu Wells Fargo tăng 6,03% lên 8,61 USD/cổ phiếu.

Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã tăng điểm trở lại phiên cuối tuần trong khi chỉ số Nasdaq giảm điểm với biên độ không đáng kể.

Dù vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 chỉ khởi sắc vào cuối ngày giao dịch sau khi Wall Street Journal thông báo Lloyds Banking Group và Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận bảo lãnh cho tài sản của ngân hàng, đồng thời Chính phủ Anh sẽ nâng mức sở hữu cổ phần của Lloyds lên 75%.

Chỉ số S&P Tài chính đã giảm 1,4%, trong đó cổ phiếu JPMorgan hạ 4%, Goldman Sachs mất 7,4%, cổ phiếu Bank of America giảm 0,95%...

Cũng giống phiên trước đó, General Motors tiếp tục tạo nên lo ngại cho giới đầu tư khi nguy cơ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vẫn còn bỏ ngỏ. Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu General Motors giảm 22% xuống 1,45 USD/cổ phiếu.

Trong ngày, giá dầu đã tăng trở lại nên giúp cổ phiếu khối năng lượng lên điểm, trong đó cổ phiếu Exxon Mobil tăng 2,9%, cổ phiếu Chevron lên 3,2%...

Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 7% và trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008, chỉ số Dow Jones mất 6,2%, chỉ số Nasdaq trượt 6,1%.

So với đầu năm, chỉ số Dow Jones giảm 24,49%, chỉ số S&P 500 hạ 24,34% và chỉ số Nasdaq trượt 17,96%.

Dow Jones và S&P 500 bất ngờ thoát hiểm - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chính trong tuần - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 6/3: chỉ số Dow Jones tăng 32,5 điểm, tương đương 0,49%, chốt ở mức 6.626,94.

Chỉ số Nasdaq phiên này giảm 5,7 điểm, tương đương 0,44%, chốt ở mức 1.293,85.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 lên 0,83 điểm, tương đương 0,12%, đóng cửa ở mức 683,38.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,77 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 9 cổ phiếu lên điểm thì có 5 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,5 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 1,377 cổ phiếu giảm điểm thì có 1,318 cổ phiếu tăng điểm.

Nhiều thị trường châu Á giảm mạnh trong tuần

Chứng khoán Nhật phiên cuối tuần đã giảm mạnh, đưa chỉ số Nikkei 225 xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua.

Thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng từ thông tin xấu về nguy cơ nộp đơn xin bảo hộ phá sản của General Motors và giá cổ phiếu Citigroup đã chạm ngưỡng 1 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu khối tài chính giảm điểm mạnh nhất trong số các cổ phiếu trên thị trường, trong đó cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 4,8%, cổ phiếu Mizuho Financial Group mất 4,9%.

Cổ phiếu của nhiều nhà xuất khẩu lớn cũng mất điểm với biên độ lớn, trong đó cổ phiếu Honda hạ  4,9%, cổ phiếu Toyota mất 2,9%, cổ phiếu TDK Corp hạ 5,8%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 260,39 điểm, tương đương 3,5%, chốt ở mức 7.173,1 – giảm 5,2% giá trị trong tuần.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 16,43 điểm, tương đương 0,35%, chốt ở mức 4.653,63 - tăng 2,1% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông trượt 289,72 điểm, tương đương -2,37%, chốt ở mức 11.921,52 – mất 6,94% so với tuần trước.

Chỉ số ASX của Australia giảm 37,1 điểm, tương đương -1,18%, chốt ở mức 3.111,7 - giảm 5,6% so với tuần trước.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 3,15 điểm, tương đương -0,3%, chốt ở mức 1.055,03 - giảm 0,75% so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore mất 9,28 điểm, tương đương -0,61%, chốt ở mức 1.509,36 - thấp hơn 5,36% so với tuần trước.

Chỉ số BSE của Ấn Độ tăng 99,74 điểm, tương đương 1,22%, chốt ở mức 8.297,66 - hạ 6,6% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 28,07 điểm, tương đương -1,26%, chốt ở mức 2.193,01 - tăng 5,28% so với tuần trước.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 6.594,44 6.626,94  Up  32,50 Up0,49
Nasdaq 1.299,59 1.293,85  Down    5,74 Down0,44
S&P 500 682,55 683,38 Up    0,83 Up0,12
Anh FTSE 100 3.529,86 3.530,73  Up    0,87 Up0,02
Đức DAX 3.695,49 3.666,41  Down  29,08  Down0,79
Pháp CAC 40 2.569,63 2.534,45  Down  35,18 Down1,37
Đài Loan Taiwan Weighted 4.637,20 4.653,63 Up  16,43 Up0,35
Nhật Nikkei 225 7.433,49 7.173,10 Down260,39 Down3,50
Hồng Kông Hang Seng 12.227,19 11.921,52 Down289,72 Down2,37
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.058,18 1.055,03 Down    3,15 Down0,30
Singapore Straits Times 1.522,60 1.509,36 Down    9,28 Down0,61
Trung Quốc Shanghai Composite 2.221,08 2.193,01 Down  28,07 Down1,26
Ấn Độ BSE 30 8.222,01 8.297,66 Up  99,74 Up1,22
Australia ASX 3.148,80 3.111,70 Down  37,10 Down1,18
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg