Dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương bao giờ khởi công?
Sáu tháng kể từ khi Tư vấn IC của dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương thông báo chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu TP.HCM làm rõ chi phí phát sinh nếu có, trong trường hợp phải gia hạn các khoản vay thực hiện dự án, phần vốn bố trí cho các chi phí phát sinh, làm rõ trách nhiệm của các bên liên…
Việc Tư vấn IC vào cuối tháng 3/2022 bất ngờ thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng với chủ đầu tư của dự án đã tác động tiêu cực đến dự án vốn đã gặp khó khăn về nguồn vốn khi hiệp định vay vốn đã hết hạn giải ngân.
DỰ ÁN NHIỀU LẦN “LỖI HẸN”
Năm 2010, dự án metro số 2 được phê duyệt và bắt đầu chuẩn bị cho việc thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2016. Tổng vốn đầu tư là 26.116 tỷ đồng.
Ngày 14/11/2019, Ủy ban nhân dân TP.HCM có Quyết định số 4880/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án xây dựng dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh là 47.890 tỷ 840 triệu đồng, thời gian thực hiện và hoàn thành dự án từ năm 2010 đến năm 2026.
Đây là tuyến metro số 2 trong số 8 tuyến metro theo quy hoạch metro của TP.HCM được tiến hành xây dựng (cùng với tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang xây dựng) nhằm giải bài toán kẹt xe ở cửa ngõ hướng tây bắc thành phố.
Tháng 6/2022, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có kiến nghị gửi các bộ, ngành trung ương đề nghị cho lùi thời gian khởi công qua cuối năm 2025, đầu năm 2026. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án metro số 2 theo kiến nghị của TP.HCM.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM bổ sung báo cáo về tình hình thực hiện dự án từ thời điểm khởi công đến nay, số liệu giải ngân để có sơ sở đánh giá tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời, Ủy ban nhân dân TP.HCM cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc gia hạn, điều chỉnh thời gian thực hiện đến chi phí đầu tư dự án và hiệu quả đầu tư, bảo đảm đủ chi phí và nguồn lực đầu tư, bổ sung các mốc hoàn thành các công việc cụ thể của dự án, giải pháp hoàn thành các mốc này.
Theo ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), chủ đầu tư dự án, đến thời điểm hiện tại các quận đã ban hành quyết định thu hồi đất đạt 99,6%; trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 85,2%. Riêng quận 3 chỉ có khoảng 41% hộ dân bàn giao mặt bằng. Lý do hệ giá đất cụ thể chưa được phê duyệt, nhiều hộ dân chưa chấp nhận giá bồi thường.
Ngoài ra, do điều chỉnh dự án và thời gian thi công bị kéo dài làm phát sinh chi phí nên đến tháng 3 vừa qua, đơn vị tư vấn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng sau nhiều lần đàm phán với chủ đầu tư nhưng bất thành.
VẪN CHƯA BIẾT NGÀY KHỞI CÔNG DỰ ÁN?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM bổ sung báo cáo cụ thể về việc hủy gói thầu CP3a/b (thi công đường hầm và các ga ngầm dự án metro Bến Thành - Tham Lương) cũng như làm rõ các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện và thông tin quá trình giải quyết vướng mắc, đề xuất giải pháp, xây dựng phương án giải quyết trong thời gian tới.
Qua rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy các hiệp định vay của dự án đã hết hạn giải ngân. Cụ thể có 5 hiệp định vay vốn nước ngoài của dự án metro số 2 đã hết hạn giải ngân.
Đó là hiệp định vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) số 2371-VIE ngày 11/3/2011 hết hạn giải ngân ngày 30/6/2017, hiệp định vay số 2956-VIE ngày 4/7/2013 hết hạn giải ngân ngày 30/12/2020. Hiệp định vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) ký ngày 01/3/2011 hết hạn giải ngân ngày 30/12/2020 và hiệp định ký ngày 04/6/2011 hết hạn giải ngân ngày 30/12/2020. Hiệp định vay Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Châu Âu (EIB) số 25.946/VN ngày 06/5/2010 hết hạn giải ngân ngày 31/8/2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, việc thực hiện dự án phụ thuộc vào khả năng cung cấp nguồn vốn của các nhà tài trợ, trong khi hai nhà tài trợ ADB và EIB đã hủy các khoản vay cũ, vì vậy Bộ này đề nghị Uỷ ban nhân dân TP.HCM báo cáo rõ nguồn vốn nước ngoài để thực hiện dự án thời gian tới, giải trình về các nguồn vốn của dự án, phương án huy động vốn nước ngoài, việc ký kết khoản vay mới, gia hạn khoản vay cũ.
Về đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết điều này sẽ dẫn tới việc gia hạn thời gian giải ngân hiệp định vay vốn đã ký với KfW, vấn đề chi trả cho các chi phí phát sinh đối với việc gia hạn hiệp định vay. Đồng thời, để tránh trường hợp phải gia hạn nhiều lần, Bộ đề nghị UBND Uỷ ban nhân dân HCM rà soát kỹ tiến độ từng hạng mục đầu tư chính, trách nhiệm của các đơn vị được giao triển khai, rà soát thủ tục pháp lý, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư dự án.
Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị điều chỉnh tiến độ dự án, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục trình thẩm định cho vay lại và đề xuất khoản vay cụ thể sau khi tư vấn CS2B (gói thầu tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công, trước đó do Tư vấn IC thực hiện) hoàn thành cập nhật thiết kế FEED.
Theo đó, dự kiến các khoản vay sẽ được ký kết hiệp định vay lại vào năm 2024 để phục vụ việc thi công gói thầu chính CP2, CP7 của dự án metro số 2. Uỷ ban nhân dân TP.HCM cho biết đã làm việc với nhà tài trợ KfW vào tháng 4/2022 và KfW đồng ý sử dụng một khoản vay riêng để thực hiện gói thầu tư vấn với tư vấn CS2B.
Như vậy là đến nay, sau nhiều lần “lỡ hẹn”, dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương vẫn chưa chốt được ngày khởi công mà dự kiến có thể kéo dài thời gian hoàn thành đến năm 2030, tăng bốn năm so với mốc 2026 dự kiến trước đó.
Dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương có tổng chiều dài 11,2 km (9,2 km đi ngầm và 02 km trên cao), với 11 ga (9 ga ngầm, 01 ga trên cao). Dự án có điểm đầu tại ga trung tâm Bến Thành và điểm cuối tại ngã tư An Sương, đi qua địa bàn sáu quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và 12, tổng diện tích thu hồi 251.136 m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.