08:25 12/03/2023

Dự chi hơn 11.300 tỷ đồng, Thanh Hóa xây tổ “khổng lồ” chờ đón đại bàng

Thiên Anh

Thanh Hóa vừa khởi động đề án giải phóng mặt bằng trong Khu kinh tế Nghi Sơn với kinh phí hơn 11.300 tỉ đồng. Đây là quyết định mang tính đột phá chiến lược, được xem như “cuộc cách mạng về hạ tầng” nhằm củng cố vị trí dẫn đầu tại khu vực miền Trung về thu hút FDI của tỉnh này...

Ban chỉ đạo 1887 khảo sát thực tế tại Khu kinh tế Nghi Sơn.( Ảnh: Phúc Ngư)
Ban chỉ đạo 1887 khảo sát thực tế tại Khu kinh tế Nghi Sơn.( Ảnh: Phúc Ngư)

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có quyết định số 1887 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và Giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn (gọi tắt là BCĐ 1887).

Theo quyết định thành lập, Ban chỉ đạo 1887 có 23 thành viên, do ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, làm trưởng ban. Các ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa làm Phó ban.

BÍ THƯ TỈNH ỦY TRỰC TIẾP CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Thanh Hóa hiện có 25 khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích khoảng 9.057,9 ha và đã phê duyệt quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn với tổng diện tích 2.035 ha.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó thu hút vốn FDI vào Thanh Hóa thời gian qua là việc xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu công nghiệp, đặc biệt là hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn vẫn chưa hoàn thiện và chậm tiến độ so với giấy phép đã được phê duyệt.

Sau khi có quyết định thành lập, Ban chỉ đạo 1887 đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Tại hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các đơn vị, thành viên khi tiến hành xây dựng quy chế làm việc thì việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phải cụ thể, rõ người, rõ việc, trên cơ sở chức trách nhiệm vụ của từng thành viên, đảm bảo không làm thay việc người khác nhưng cũng không bỏ sót việc thuộc phạm vi chức trách được giao. Cùng với đó, trong đề án cần phải đặt vấn đề về mặt nhận thức việc giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp trên là “cuộc cách mạng” làm thay đổi một lần nữa về hạ tầng tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

KỲ VỌNG TẠO RA LỰC HÚT MỚI ĐỂ THU HÚT CÁC DỰ ÁN LỚN

Việc giải phóng mặt bằng tại các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Trong đó, Khu công nghiệp số 20 có tổng diện tích 604 ha, Khu công nghiệp số 21 có tổng diện tích 395 ha, là các khu công nghiệp tập trung đa ngành gồm: Công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ, tổng kho đông lạnh...

Khu công nghiệp số 6 có tổng diện tích 549 ha, có tính chất quan trọng, phù hợp với định hướng phát triển, thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn theo điều chỉnh quy hoạch.

Theo phân kỳ đầu tư, từ năm 2023 - 2024, tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư tại xã Anh Sơn và xã Các Sơn, với diện tích khoảng 23ha, phục vụ di dân giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 20, đồng thời triển khai giải phóng mặt bằng với diện tích khoảng 604 ha thuộc phạm vi khu công nghiệp số 20. Từ năm 2023 - 2025, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng 4 khu tái định cư tại các xã Thanh Sơn, Ngọc Lĩnh, các phường Mai Lâm, Trúc Lâm, với tổng diện tích khoảng 57 ha, để chuẩn bị giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp số 21 và số 6. Từ năm 2025 - 2027 thực hiện giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 21, diện tích 395 ha và khu công nghiệp số 6, diện tích 549 ha.

Các khu công nghiệp trên có vị trí quan trọng, là điểm nhấn thu hút các dự án của các nhà đầu tư tiềm năng để phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung. Hiện nay, vị trí của 3 khu công nghiệp này được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư. Vì thế, việc tạo mặt bằng sạch hứa hẹn sẽ là nơi các “đại bàng” tìm đến “xây tổ”.

Để thành công trong triển khai đề án này, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung nghiên cứu, xây dựng các điểm tái định cư phù hợp cho người dân. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tỉnh Thanh Hóa sẽ công khai các vị trí thực hiện tái định cư, tổ chức để người dân được đến thăm vị trí và tham gia ý kiến xây dựng khu tái định cư mà mình đến ở. Cùng với đó, cần quan tâm chuyển đổi nghề để người dân ổn định cuộc sống ngay trong khu tái định cư và khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng quan tâm, nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị tái định cư; đồng thời bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là cấp thoát nước, cung cấp điện, thiết chế văn hóa - xã hội và các chế độ, chính sách để người dân được thụ hưởng những thành quả khi đã nhường đất để xây dựng các khu công nghiệp.

Với việc dự chi hơn 11.300 tỷ đồng để chuẩn bị mặt bằng sạch 3 khu công nghiệp có tổng diện tích 1593 ha, có thể nói đây là quyết định mang tính đột phá. Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tạo ra “lực hút” mới để thu hút nhà đầu tư tiềm năng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong thu hút đầu tư vào Nghi Sơn trong thời gian tới.