12:24 15/04/2024

Đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhật Dương

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng, không thuộc nhóm được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp...

Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.
Người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Nhật Dương.

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm hạn chế gian lận, trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Luật Việc làm hiện hành quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi đang được xây dựng, quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được sửa đổi theo hướng siết chặt hơn.

Cụ thể, tại Điều 111 dự thảo Luật quy định, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật trừ các trường hợp sau đây:

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động.

Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Người lao động hưởng lương hưu. Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu.

Các trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khác cơ bản vẫn theo quy định của pháp luật hiện hành, song có chỉnh sửa, bổ sung thêm, bao gồm: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên, trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng.

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Điều kiện về thời gian tìm được việc làm kể từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng được đề xuất rút ngắn từ 15 ngày xuống 10 ngày.

Theo đó, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chưa tìm được việc làm sau 10 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Có việc làm và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; chết.

Lao động tìm kiếm việc làm.
Lao động tìm kiếm việc làm.

Ngoài chế độ trợ cấp thất nghiệp, Luật Việc làm hiện hành còn quy định các chế độ khác mà người lao động khi đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng như: Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp bình quân tăng khoảng trên 6%/năm.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, lũy kế đến hết quý 1/2024, cả nước có hơn 14,24 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chi chế độ trợ cấp và hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho tổng số hơn 154.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm gần 2.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng giảm dần tại các thị trường tập trung nhiều khu công nghiệp, chế xuất, có đông người lao động sinh sống, làm việc. Tại Hà Nội, trong quý 1 năm nay, các cơ quan chức năng giải quyết hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 14.000 trường hợp, giảm gần 300 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết hiện số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm khoảng 31,5% lực lượng lao động. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn là một thách thức lớn.