09:42 30/06/2021

Đủ điều kiện phát triển vaccine “Made by Vietnam”

Nguyễn Lê

Để có vaccine phục vụ phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam xem chiến lược sản xuất vaccine trong nước đóng vai trò quan trọng nhất...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam hiện đã hội đầy đủ các yếu tố công nghệ, tài chính cũng như cơ chế để vaccine ra đời sớm nhất.

Vaccine được xem là công cụ số một nhằm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế. Nhận rõ điều đó, ngay từ đầu Việt Nam đã khẩn trương thực hiện chiến lược vaccine bằng ba giải pháp rất rõ ràng. Thứ nhất, đẩy nhanh việc mua vaccine; thứ hai, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thứ ba, sản xuất vaccine trong nước. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh sản xuất vaccine trong nước đóng vai trò quan trọng nhất.

CÔNG NGHỆ: ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ LÀM VACCINE

Ngay từ giữa năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng ra các nước trên thế giới, một số hãng dược phẩm lớn lập tức tuyên bố phát triển vaccine phòng chống bệnh.

Cùng lúc đó, trước nguy cơ của đại dịch, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã động viên, chỉ đạo các doanh nghiệp của Việt Nam khẩn trương xây dựng các dự án sản xuất vaccine chống Covid-19. Đó là Công ty Nanogen, Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm y tế (Vabiotech), Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC).

Chỉ sau hơn 4 tháng tính từ thời điểm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp của đại dịch, trên 163 loại vaccine đã được phát triển ở một số nước. Trong đó có các vaccine của Việt Nam. Để có vaccine nhanh thì cần những công nghệ sản xuất mới.

Hiện có ba cách tiếp cận chính để tạo ra các loại vaccine. Đó là: sử dụng toàn bộ vi rút hay vi khuẩn để tạo ra vaccine; chỉ sử dụng những thành phần của vi rút có tác dụng khởi phát hệ thống miễn dịch; chỉ sử dụng những vật liệu di truyền của vi rút nhằm cung cấp cho cơ thể các hướng dẫn để tạo ra các protein cụ thể (giống protein có trong vi rút) có tác dụng khởi phát hệ thống miễn dịch.

Với những cách tiếp cận như vậy, các vaccine phòng chống Covid-19 đã được cấp phép và sử dụng trên thế giới phản ánh khá đầy đủ các công nghệ sản xuất vaccine ứng với mỗi cách tiếp cận. Hầu hết các công ty đều sản xuất loại vaccine sử dụng vi rút an toàn hay gọi là vaccine vectơ vius công nghệ vaccine protein kháng nguyên virus, đây cũng là một công nghệ mới.

Song, riêng vaccine mARN (của Moderna và Pfizer/Nbiotech) thì sử dụng công nghệ vaccine axit nucleic được xem là tiên tiến nhất hiện nay. Các vaccine axit nucleic có ưu thế vượt trội (nhờ công nghệ tin - miễn dịch và công nghệ ADN tái tổ hợp) nên đã giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu phát triển, phù hợp để thích ứng với các biến chủng mới.

Đối với Việt Nam, vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen, sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là con đường khác với nhiều hãng dược khác đang làm là họ cấy đoạn gen virus trực tiếp vào người. Còn vaccine Covivac (sử dụng vaccine virus bất hoạt và protein kháng nguyên bề mặt virus) của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC). 

Như vậy về mặt công nghệ, vaccine của Việt Nam đều sử dụng các công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể sản xuất  vaccine. Với công nghệ đó, tháng 12/2020 vaccine Nanocovax đã thử trên các con vật.

Tiếp đến, Bộ Y tế chính thức cho phép thử nghiệm vaccine này trên người giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Kết quả bước đầu được các nhà khoa học nhận xét, vaccine Nanocovax an toàn với người được tiêm, có khả năng sinh kháng thể cao và chống lại được virus SARS-CoV-2, kể cả những biến chủng mới lúc đó.

Hiện vaccine Nanocovax đã hoàn thành giai đoạn 3A tiêm cho 1.000 người và tiếp tục giai đoạn 3B tiêm cho 12.000 người. Dự kiến sang tháng 7/2021 sẽ chuyển sang giai đoạn 3C tiêm cho 1 triệu người, ở cả miền Nam và miền Bắc.

Còn vaccine Covivac của Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC) và vaccine của Công ty Vabiotech chậm hơn so với Nanocovax. Theo TS.Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), vaccine Covivac phòng Covid-19 do đơn vị nghiên cứu, sản xuất đã kết thúc giai đoạn 1. Dự kiến trong tháng 7, IVAC sẽ đề nghị Bộ Y tế cho phép chuyển sang giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dự kiến được triển khai cuối năm 2021. Vaccine của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4/2022.

VACCINE: ĐỘNG CƠ TĂNG TRƯỞNG CỦA DOANH NGHIỆP

Đối với Việt Nam, có thể nói trong lịch sử chưa bao giờ có sự chủ động cao trong phòng chống một dịch bệnh lây nhiễm bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống như đối với đại dịch Covid-19.

Ngay từ đầu, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo các tổ chức khoa học tích cực  triển khai nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm vaccine “Made by Vietnam”. Với biến chủng virus mới trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, chúng ta đã đẩy mạnh việc đưa “vũ khí” vaccine vào chống dịch, trên cơ sở đã có chuẩn bị từ trước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vaccine”.  Thủ tướng yêu cầu sản xuất vaccine chống Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vaaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước.

Về phía doanh nghiệp, để sản xuất ra vaccine, ngoài điều kiện tiên quyết là phải nắm bắt được công nghệ thì vấn đề tài chính đầu tư vào dây chuyền sản xuất, hệ thống kho lạnh, xe lạnh... bảo quản khi vaccine được cấp phép đưa vào sản xuất, vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong quy trình thực hiện.

Cái khó nhất đối với doanh nghiệp lại nằm ở quy trình, thủ tục hành chính. Vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành phải tháo gỡ các quy trình thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine. Phải hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với công ty làm nhanh nhất để giải quyết các vấn đề cấp bách về vaccine hiện nay. Mọi khó khăn vướng mắc về tài chính hay cơ chế phải tìm cách tháo gỡ.

Phải tập trung tất cả nguồn lực, vật lực để sản xuất vaccine phòng chống Covid-19. Khẩn trương, rút ngắn thời gian nhưng phải tuyệt đối đảm bảo các điều kiện khoa học, phải minh bạch rõ ràng các dự liệu khoa học. Phải coi vấn đề bảo vệ sức khỏe của người dân là cao nhất.

Thủ tướng cũng khẳng định sẽ tổ chức các buổi làm việc với các cơ sở chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, các nhà khoa học, nhà quản lý, tiếp tục giải quyết các ách tắc, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động này theo hướng tổng thể, bài bản, chiến lược hơn.

Đáp ứng mong mỏi của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho biết, vài ngày tới đoàn chuyên gia của WHO sẽ đến Việt Nam cùng kiểm tra vaccine Covid-19 được nghiên cứu sản xuất trong nước theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ. Đối với doanh nghiệp, mọi yếu tố phục vụ cho sản xuất vaccine đã đầy đủ kể cả yếu tố thị trường.

Tại Việt Nam, vaccine phòng chống Covid-19 đang có nhu cầu rất lớn, không chỉ 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 mà cho cả những năm sau để chống loại virus này. Doanh nghiệp nào phát triển được loại vaccine này chắc chắn sẽ trở thành một chất xúc tác mạnh cho động cơ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để có được điều đó còn phụ thuộc vào sản phẩm của doanh nghiệp, nhất là loại sản phẩm đặc biệt như vaccine phòng chống Covid-19. Đối với Công ty Nanogen cũng vậy, đã có những tín hiệu tốt về niềm tin, chất lượng qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Hy vọng vaccine Việt Nam sẽ ra đời sau giai đoạn ba, khi mọi việc sẽ trở nên minh bạch rõ ràng bằng các chứng cứ dự liệu khoa học để khẳng định rằng vaccine Nanocovax Việt Nam an toàn,  có “tính sinh miễn dịch” và “hiệu quả bảo vệ”.