16:31 24/09/2007

Dự đoán xu hướng VN-Index cuối năm

Phạm Chí Dũng

Xu thế bán ra tại từng ngưỡng kháng cự của các nhà đầu tư để thu lợi hoặc thu vốn sẽ tạo ra một sức cản đáng kể đến thị trường

Trong giai đoạn ngắn hạn này, nhiều nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về một sự sụt giảm dưới 900 điểm của VN-Index. Tuy thế, khi chỉ số này vượt qua được ngưỡng 930 điểm và tiếp tục đi lên, người ta bắt đầu hy vọng về một khả năng phục hồi của thị trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong giai đoạn ngắn hạn này, nhiều nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về một sự sụt giảm dưới 900 điểm của VN-Index. Tuy thế, khi chỉ số này vượt qua được ngưỡng 930 điểm và tiếp tục đi lên, người ta bắt đầu hy vọng về một khả năng phục hồi của thị trường - Ảnh: Việt Tuấn.
Đến tháng 8/2007, chứng khoán đã trở thành một cuộc chơi bài bản và có quy mô hơn hẳn so với năm 2006. Hiện đã có trên 200.000 tài khoản giao dịch được mở, gấp đến 3 lần so với thời điểm cùng kỳ của năm 2006...

Đó là sự phản ánh thuận chiều về tâm lý quan tâm đến thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư; lượng cung cổ phiếu cũng nhiều hơn hẳn với nhiều mã chứng khoán lên sàn và liên tiếp các đợt IPO, phát hành bổ sung cổ phiếu; mặt khác, vài chục quỹ đầu tư của nước ngoài luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” cũng làm cho thị trường sôi động hơn nhiều và dĩ nhiên tiềm ẩn nhiều khả năng đột biến hơn; tuy nhiên, do lượng cung cổ phiếu ồ ạt mà có thể dẫn đến tình trạng “lũ cổ phiếu” sẽ khiến cho thị trường phần nào bị rơi vào xu hướng bão hòa, làm giảm đi sức bật...

Với những sự khác biệt cơ bản ấy, việc so sánh diễn biến vận động của VN-Index của năm 2006 với năm 2007 là không hoàn toàn tương đồng.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm khá giống nhau làm cho các nhà đầu tư không thể không suy nghĩ. Đó là cả hai điểm đáy của VN-Index của năm 2006 và năm 2007 đều rơi vào tháng 8, mà từ điểm đáy của năm 2006, chỉ số thị trường bắt đầu vươn lên, dù không theo đường dốc đứng với góc hẹp nhưng có hình dạng cầu vồng, phản ánh giai đoạn chuẩn bị “cất cánh”.

Còn vào những ngày đầu tháng 9/2007, VN-Index cũng đã bắt đầu thoát khỏi nỗi ám ảnh của ngưỡng hỗ trợ 900 điểm, nhích lên đến mốc 930 điểm.

Trong giai đoạn ngắn hạn này, nhiều nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về một sự sụt giảm dưới 900 điểm của VN-Index. Tuy thế, khi chỉ số này vượt qua được ngưỡng 930 điểm và tiếp tục đi lên, người ta bắt đầu hy vọng về một khả năng phục hồi của thị trường.

Minh họa cho dấu hiệu phục hồi này là việc các cổ phiếu chủ lực PPC và VSH dứt ra khỏi được cơn ủ ê kéo dài, bứt lên trong ngắn hạn được khoảng 20- 23%. Trong khi đó, vẫn chưa thấy dấu hiệu lạc quan từ các cổ phiếu chủ lực như PVD, RRE, FPT..., để STB một mình dẫn dắt đà đi lên của thị trường.

Đa phần ý kiến đều cho rằng thị trường chứng khoán sẽ được hồi phục vào cuối năm 2007. Đến đây, chúng ta lại có dịp so sánh sự vận động đi lên của VN-Index trong quý 4 năm 2007 với quý 4 năm 2006.

Nếu như vào năm 2006, VN-Index hướng lên một cách đầy tự tin và chỉ dao động âm trong vài ba đoạn ngắn hạn, thì năm 2007 có thể sẽ vất vả hơn cho chỉ số này.

Trước mắt, ngưỡng kháng cự mà VN-Index phải chinh phục là 980 điểm. Nếu vượt qua được ngưỡng này thì mới có thể hy vọng chỉ số thị trường trở về mốc 1.000 điểm. Hiện tại, khả năng ấy không còn bao xa. Song sau 1.000 điểm sẽ là cái gì? 1.020, 1.050 và 1.080 điểm là ba mốc mà VN-Index phải đối mặt.

Trong quá trình “vượt cạn” của mình, VN-Index còn phải đương đầu với một thử thách rất lớn, khác hẳn với giai đoạn cùng kỳ vào năm 2006: xu thế bán ra tại từng ngưỡng kháng cự của các nhà đầu tư để thu lợi hoặc thu vốn sẽ tạo ra một sức cản đáng kể làm cho thị trường không thể tăng mạnh được. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, VN-Index tăng chậm rãi lại tỏ ra có tính bền vững hơn, chứ không phải là quá nóng.

Chính vì lý do này, có nhiều khả năng đồ thị vận động của VN-Index từ đây đến cuối năm 2007 sẽ diễn biến theo đường răng cưa hướng lên, liên tục xuất hiện các tam giác và các đỉnh tạm, đáy tạm. Cũng bởi thế, thật khó cho VN-Index có được một cuộc chinh phục mạnh mẽ như đã từng xảy ra trong năm 2006.

Nhưng kịch bản này cũng cho thấy một hy vọng lớn là khó có khả năng chỉ số thị trường lại rơi vào một cơn sụt giảm mạnh như đã từng xảy ra trong 5 tháng trước. Có chăng, độ suy giảm trong từng giai đoạn ngắn của VN-Index chỉ khoảng 5-7% - một tỷ lệ có thể chấp nhận được trong trào lưu phát triển chung.

Trong vài báo cáo của tổ chức nước ngoài gần đây, đã có khuyến cáo cho rằng thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9/2007 là lúc rất thuận lợi để mua vào cổ phiếu. Có lẽ khuyến cáo ấy là đúng, vì thị trường đang có xu hướng đi lên. Nhưng với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cơ hội để mua vào các cổ phiếu hạng trung và hạng ruồi, kể cả vài ba mã cổ phiếu chủ lực, vẫn còn trong khoảng một tháng tới.

Trong thời gian đó, có thể sẽ xuất hiện từng tốp cổ phiếu chủ lực thay nhau bứt phá và có thể cả suy giảm, cùng với một số cổ phiếu hạng trung. Trong khi đó, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu dường như vẫn chìm trong giấc ngủ say sưa. Những cổ phiếu này có giá khá hấp dẫn, một số trong đó có tiềm năng và có thể tăng đột biến bất cứ lúc nào sau khi các nhóm cổ phiếu chủ lực đã dẫn thị trường qua mốc 1.000 điểm.