15:08 09/03/2023

Dự kiến tạm đóng cửa sân bay Điện Biên từ ngày 1/4

Ánh Tuyết

Cảng hàng không Điện Biên dự kiến đóng cửa gần 9 tháng, từ ngày 1/4 tới đây đến hết ngày 14/12/2023 để bảo đảm tiến độ thi công và phấn đấu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024...

Dự án phấn đấu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024.
Dự án phấn đấu hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng 5/2024.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị đóng tạm thời Cảng hàng không Điện Biên.

ĐÓNG CỬA GẦN 9 THÁNG

Trên cơ sở đề nghị của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP, Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị và hãng hàng không đang khai thác tại Cảng hàng không Điện Biên bao gồm: UBND tỉnh Điện Biên, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Vietnam Airlines (VASCO) và Bamboo Airways.

Các đơn vị này đều thống nhất về thời gian đóng cửa và thời gian mở cửa khai thác trở lại Cảng hàng không Điện Biên.

Để bảo đảm tiến độ thi công các hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5 năm 2024), Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, chấp thuận thời gian đóng cửa tạm thời Cảng hàng không Điện Biên từ ngày 1/4 tới đây đến hết ngày 14/12/2023.

Cục Hàng không đảm bảo phương án tổ chức thi công, biện pháp bảo đảm an ninh an toàn và vệ sinh môi trường không làm ảnh hưởng đến việc khai thác tại Cảng hàng không Điện Biên.

Trước đó, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, thời gian qua, các đơn vị tham gia dự án chưa thực sự tập trung, quyết tâm, quyết liệt triển khai nên các công việc hiện nay đã bị chậm so với kế hoạch ban đầu đặt ra.

Cụ thể, tiến độ thi công hạng mục tường rào bị chậm khoảng 3 tháng; hạng mục công trình đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay bị chậm khoảng 4 tháng; hạng mục nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ bị chậm khoảng 2 tháng.

TẠO SỨC BẬT CHO VÙNG TÂY BẮC

Dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên có tổng vốn đầu tư 1.467,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 với nội dung đầu tư xây dựng mở rộng quy mô đường cất hạ cánh dài 2.400m, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321.

Cùng với đó, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.

 

Hiện Cảng hàng không Điện Biên có nhà ga hành khách quy mô nhỏ, đặc biệt là chiều dài đường cất hạ cánh hiện hữu ngắn (1.830 m), chỉ có thể tiếp nhận các loại tàu bay cỡ nhỏ như ATR-72 và tương đương.

Theo thống kê năm 2019, Điện Biên đón khoảng 845.000 lượt du khách, thời gian lưu trú khoảng 2,4 ngày, trong đó có khoảng 25.300 lượt hành khách đi bằng đường hàng không, chiếm 3%, còn chủ yếu đi bằng đường bộ (97%). Do đó, phần lớn khách du lịch có quỹ thời gian hạn chế (2-3 ngày) đều không lựa chọn Điện Biên làm điểm đến bởi thời gian di chuyển đường bộ tương đối dài khi chặng Hà Nội - Điện Biên đi ô tô cần khoảng 10-12 giờ.

Thêm vào đó, Điện Biên cũng được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị... Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.

Vì vậy, việc mở rộng nâng cấp sân bay Điện Biên tạo sức bật cho vùng kinh tế Tây Bắc. Khi sân bay Điện Biên hoàn thành sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với cố đô Luang Prabang (Lào), Côn Minh (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan) phát triển thương mại và dịch vụ du lịch.

Từ đó, từng bước thực hiện mục tiêu đưa Điện Biên trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.