17:00 27/11/2023

Du lịch chăm sóc sức khỏe: Việt Nam và Nhật Bản nhiều tiềm năng hợp tác

Tường Bách

Với lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, điều kiện địa lý cùng nguồn tài nguyên địa chất - khoáng sản và dược liệu, Việt Nam hứa hẹn là một trong những “ngôi sao mới nổi” trong việc phát triển dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe...

Ảnh: Japan Times
Ảnh: Japan Times

Trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu về cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Tại một số quốc gia như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển. Viện nghiên cứu Chăm sóc Sức khỏe Toàn cầu (Global Wellness Institute - GWI) dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành du lịch chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2020 – 2025 là 21%, vượt qua tất cả các lĩnh vực khác của ngành chăm sóc sức khỏe nói chung.

HỢP TÁC VIỆT NAM – NHẬT BẢN

Tại Tọa đàm “Phát triển du lịch y tế - thẩm mỹ công nghệ cao Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản”, ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nhận định du lịch là một lĩnh vực hợp tác quan trọng của 2 nước. Có gần 1 triệu lượt khách du lịch Nhật Bản tới Việt Nam năm 2019 và có 500.000 khách du lịch Việt Nam tới Nhật Bản năm đó. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, trong 10 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam thì có 500.000 lượt khách du lịch Nhật Bản. Trong khi đó, có 450.000 lượt khách Việt Nam tới Nhật Bản cùng thời gian qua.

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có lĩnh vực y tế và thẩm mỹ công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới. Lĩnh vực này đã thu hút đông đảo du khách tại nhiều quốc gia đến khám chữa bệnh, làm đẹp và du lịch. Mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh và làm đẹp đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các cơ quan chức năng của Nhật Bản. Đó là các chính sách vĩ mô của nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành liên quan như: Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản…

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có lĩnh vực y tế và thẩm mỹ công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới.
Nhật Bản được biết đến là quốc gia có lĩnh vực y tế và thẩm mỹ công nghệ cao phát triển hàng đầu thế giới.

Về phía Việt Nam, theo ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành nhu cầu tất yếu ngày càng tăng của khách du lịch khi kết hợp đi du lịch và chăm sóc sức khỏe, để vừa trải nghiệm vừa bảo đảm sức khỏe. Việt Nam có nhiều lợi thế về tay nghề bác sĩ, sự chuyên nghiệp của đội ngũ y tế, công nghệ cao… ngoài ra cùng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như suối khoáng, phong cảnh đẹp có thể kết hợp các chương trình du lịch gắn với tự nhiên và chăm sóc sức khỏe, y tế.

“Nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai tốt loại hình du lịch y tế này, đây là cách vừa giao lưu, vừa học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền y tế tiên tiến, phát triển về sản phẩm y tế để chúng ta áp dụng, nhất là phát huy y học cổ truyền của dân tộc Việt Nam,” ông Phương nói.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai Đề án về phát triển y dược cổ truyền phục vụ du lịch. Do đó, hy vọng trong thời gian tới chúng ta có thế phối hợp giữa du lịch cộng đồng, du lịch sức khỏe tăng trải nghiệm của khách du lịch, làm sao để thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho thu nhập của cộng đồng dân cư được tăng thêm.

Việt Nam có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có thể kết hợp các chương trình du lịch gắn với tự nhiên và chăm sóc sức khỏe, y tế.
Việt Nam có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có thể kết hợp các chương trình du lịch gắn với tự nhiên và chăm sóc sức khỏe, y tế.

"Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng khuyến nghị các địa phương dựa trên lợi thế của mình về dược liệu, suối khoáng, điều kiện tự nhiên phong phú… phát triển thành các dược phẩm kết hợp với các chương trình tour để khách du lịch có những trải nghiệm thú vị và có thời gian chăm sóc sức khỏe. Việc gắn lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, chắc chắn du lịch chăm sóc sức khỏe thời gian tới sẽ phát triển và đạt hiệu quả", ông Nguyễn Quý Phương nói.

ĐỘNG LỰC CHO DOANH NGHIỆP

Trong khuôn khổ tọa đàm, Chi nhánh Tập đoàn EVER tại Việt Nam, Tập đoàn MHC Việt Nam và Công ty Vietfoot Travel đã cung cấp các thông tin chi tiết nhằm đẩy mạnh quảng bá và phát triển các tour du lịch kết hợp khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ công nghệ cao.

Trong đó nổi bật là các tour du lịch kết hợp khám tầm soát ung thư sớm; tour du lịch kết hợp gói dịch vụ khám tổng quát hay những tour du lịch kết hợp khám và thực hiện liệu pháp nâng cao khả năng miễn dịch tự thân bằng tế bào NK; tour du lịch kết hợp thực hiện liệu pháp lọc máu toàn thân tuần hoàn; tour du lịch kết hợp thực hiện liệu pháp tế bào gốc từ mô mỡ tự thân trẻ hóa tuổi sinh học…

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, cho biết: "Trước đây, để xây dựng một tour du lịch y tế đến Nhật Bản tương đối khó khăn vì các vấn đề visa, chi phí tour phù hợp cho khách. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Nhật Bản đã cởi mở nhiều hơn trong chính sách visa. Đồng thời, sau dịch Covid-19, du khách Việt Nam cũng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe". Theo ông Nghĩa, khó khăn lớn nhất với các tour du lịch y tế thời điểm này là chi phí tour tương đối cao nên sẽ kén chọn đối tượng khách.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện đã có khá nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Được nhiều người biết đến trong mảng dịch vụ này là những cái tên như Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (Ba Vì, Hà Nội), Khu nghỉ dưỡng Alba Wellness Valley by Fusion (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), Khu nghỉ dưỡng APEC Mandala Wyndham Mũi Né (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) hay hệ thống nghỉ dưỡng của Tập đoàn Flamingo tại Đại Lải (Vĩnh Phúc), Cát Bà (Hải Phòng), Tân Trào (Tuyên Quang)... Những khu nghỉ dưỡng này đều tận dụng lợi thế về cảnh quan nhằm kết nối con người với thiên nhiên để tìm lại sự cân bằng về thể chất và tinh thần. 

Hiện đã có khá nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Hiện đã có khá nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Nhìn chung, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được hình thành dựa trên các hoạt động ngoài trời kết hợp với phương pháp trị liệu như tắm khoáng nóng (onsen), tắm bùn, xông hơi, spa, detox (thanh lọc, thải độc), thiền định, yoga, đi bộ... nhằm chăm sóc sức khỏe đồng thời xoa dịu tinh thần, gia tăng khả năng chữa lành cho du khách. Theo ông Đỗ Mạnh Hoàng, Phó Giám đốc Khu du lịch chữa lành MEDI Thiên Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội) từ sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng đã tăng gấp 3 so với thời điểm trước dịch. Riêng trong 9 tháng năm 2023, lượng khách đạt hơn 100.000 lượt.

Ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, để đẩy mạnh tour du lịch y tế, chăm sóc sức khỏe, các doanh nghiệp du lịch và bệnh viện 2 bên cần phải kết hợp, đưa ra những chính sách giá và các sản phẩm phù hợp để thu hút khách du lịch. Trước đó, ngày 24/11, Bệnh viện Từ Dũ đã ký kết hợp tác với Hiệp hội Sakura Nhật Bản thành lập đơn vị nha khoa thai phụ tiêu chuẩn Nhật Bản nhằm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ mang thai. Đây là thành quả từ sự vận động, kết nối từ giáo sư Nagato Natsume, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya, Nhật Bản.