14:00 07/07/2023

Du lịch có ý thức dần trở nên quen thuộc tại Việt Nam

Tường Bách

Lâu nay, du khách nội địa thường bị các địa phương than phiền bởi những thói quen chưa đẹp như xả rác bừa bãi, dùng nhiều đồ nhựa một lần, khai thác cạn kiệt tài nguyên du lịch bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa…

Ảnh: VACNE
Ảnh: VACNE

Chính trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều người Việt – nhất là những người trẻ - bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới du lịch bền vững, có trách nhiệm, có ý thức… đặc biệt là khi vấn đề bảo vệ môi trường đang nổi lên trên toàn cầu.

Mới đây, Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xếp vào nhóm tiếp cận du lịch thận trọng, có tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đây là kết quả nghiên cứu mới nhất về Chỉ số Tự tin Du lịch (Travel Confidence Index - TCI 2023) châu Á - Thái Bình Dương (APAC) 2023, do ứng dụng Booking.com triển khai độc lập từ 4 - 5/2023 với hơn 8.000 khách du lịch, đến từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp APAC.  

XU HƯỚNG DU LỊCH MỚI CỦA NGƯỜI VIỆT

Báo cáo nghiên cứu này tập trung vào hành vi du lịch của du khách các thị trường châu Á - Thái Bình Dương giữa những biến đổi lớn của nền kinh tế hiện tại và ảnh hưởng của nó lên quyết định du lịch. Theo đó, năm nay, Việt Nam là thị trường duy nhất trong khu vực APAC (gồm New Zealand, Asutralia, Trung Quốc, Hong Kong - Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam) nằm trong nhóm “Mindful Voyagers” (Du khách có ý thức) - tiếp cận du lịch với sự thận trọng, được thúc đẩy bởi tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Du khách Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các hình thức du lịch bền vững và trở nên kỹ tính hơn trong việc lựa chọn chỗ ở.
Du khách Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các hình thức du lịch bền vững và trở nên kỹ tính hơn trong việc lựa chọn chỗ ở.

"Nói cách khác, du khách Việt Nam là nhóm cho thấy mối quan tâm về du lịch bền vững cao nhất trong khu vực", thông cáo của Booking.com viết. Hầu hết du khách Việt Nam nhận ra rằng việc bảo vệ tài nguyên và thực hiện phát triển bền vững có thể góp phần cứu lấy hành tinh này. Chỉ trong một năm, người Việt đã trở nên rất nhạy bén về cách họ ảnh hưởng đến môi trường và đã thực hiện một số phương pháp. Chẳng hạn như:  42% du khách tái sử dụng khăn tắm nhiều lần để tiết kiệm nước, tăng 24% so với năm 2022.

Ngày càng có nhiều người nhận thức được giá trị của việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế với 55% du khách mang theo các loại chai nước có thể tái sử dụng, tăng 47% so với năm 2022. 52% đang dùng túi tái sử dụng; 40% thực hiện việc tái chế rác khi đi du lịch và có tới 46% luôn mang theo bình nước cá nhân của mình. Du khách Việt Nam đang dần chuyển hướng sang các hình thức du lịch bền vững và trở nên kỹ tính hơn trong việc lựa chọn chỗ ở và phương tiện di chuyển chủ yếu khi nhận thức được tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu và ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng.

Người Việt cũng đang nỗ lực hơn để giảm thiểu tác động lên môi trường trên từng bước trong chuyến đi của mình, chẳng hạn bằng cách mang những thói quen trong gia đình khi đi du lịch: 79% du khách Việt tắt máy lạnh khi không sử dụng (tăng 37% so với năm 2022). 41% du khách Việt chọn đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Việc ưu tiên "mua hàng địa phương" cũng đang dần trở thành xu hướng, với 36% người Việt lựa chọn ủng hộ các shop nhỏ và độc lập.

Hơn một nửa du khách Việt mong muốn nhận được ưu đãi để đưa ra các lựa chọn thân thiện hơn với môi trường.
Hơn một nửa du khách Việt mong muốn nhận được ưu đãi để đưa ra các lựa chọn thân thiện hơn với môi trường.

Đồng thời, Việt Nam hiện đang sở hữu 5.000 cơ sở lưu trú được nhận huy hiệu Du lịch bền vững do chuyên trang Booking.com chứng nhận. Tiêu chí của du lịch bền vững mà Booking.com đưa ra là các cơ sở phải bảo đảm 29 hoạt động, thực hành, trong đó nhấn mạnh vào yếu tố tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, bảo vệ môi trường, kiến tạo không gian du lịch xanh, có sự tham gia của người dân bản địa.

Tại Việt Nam, các điểm đến có số lượng chỗ nghỉ bền vững cao nhất theo số huy hiệu Du lịch Bền vững trên Booking.com gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh).

NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐẦU TIÊN CỦA NGÀNH

Tuy nhiên, dù du khách đã có mong muốn rõ ràng, họ vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tìm và đặt chỗ tại các cơ sở lưu trú bền vững, và họ cũng ưa thích các chương trình ưu đãi liên quan đến du lịch bền vững. Hơn một nửa du khách Việt (53%) mong muốn nhận được ưu đãi để đưa ra các lựa chọn thân thiện hơn với môi trường. Ngoài ra, 47% cho biết sẽ có động lực du lịch bền vững hơn nếu họ được nhận điểm thưởng cho các lựa chọn bền vững của mình. Những điểm thưởng này cũng có thể được sử dụng để nhận thêm các ưu đãi hoặc giảm giá thông qua các công ty du lịch trực tuyến.

Cũng theo một theo thông tin mới công bố từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch theo hướng bền vững thông qua Dự án du lịch bền vững giai đoạn 2023 - 2027. Dự án có mục tiêu hỗ trợ xây dựng chính sách và quy hoạch phát triển du lịch bền vững phù hợp với tình hình thực tế du lịch Việt Nam. Thông qua dự án, doanh nghiệp và những người dân địa phương trực tiếp làm du lịch có cơ hội nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực, và hướng tới việc thay đổi ứng xử trong việc bảo vệ, quản lý và góp phần xây dựng môi trường sinh thái đa dạng hơn. Dự án cũng tập trung phát triển các mô hình kinh doanh, sản phẩm du lịch bền vững qua đó nâng cao đời sống của người dân.

Các mô hình kinh doanh, sản phẩm du lịch bền vững cũng có thể giúp nâng cao đời sống của người dân.
Các mô hình kinh doanh, sản phẩm du lịch bền vững cũng có thể giúp nâng cao đời sống của người dân.

Trước mắt, có thể thấy tính bền vững trong cách người dân đi du lịch đã giúp giảm thiểu những tác động mà du khách tạo ra cho các điểm đến. Tại các điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình, du khách có cơ hội trải nghiệm đi thuyền trên sông Ngô Đồng khám phá Tam Cốc - Bích Động, đạp xe ngắm cảnh trong VQG Cúc Phương, chinh phục Hang Múa…và lưu trú tại một trong 130 cơ sở lưu trú bền vững tại địa phương.

Đồng hành cùng xu hướng du lịch xanh của thế giới, tỉnh Quảng Nam và TP Hội An đã khởi động nhiều phong trào, mô hình thân thiện với môi trường như hạn chế túi nylon trong phố cổ hay cù lao Chàm, tái chế rác, khu phố không tiếng động cơ… góp phần định hướng xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025 của Quảng Nam. Trong thời gian tới, địa phương còn tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người lao động thực hành áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh dành tại các điểm tham quan.

Bên cạnh đó, một số địa phương tiêu biểu đã và đang ứng dụng chiến lược “Đại Dương xanh” trong du lịch hướng đến phát triển vững hiệu quả điểm đến như: Phát triển du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ (Lai Châu); quản lý du lịch di sản bền vững tại Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); khai thác du lịch sinh thái bền vững tại Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình)…