09:45 15/07/2022

Du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc bình tĩnh trước làn sóng Covid-19 thứ 7

Tường Bách

Dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron đang lây lan nhanh trên khắp Nhật Bản. Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida ngày 14/7 khẳng định chưa tính đến bất cứ phương án hạn chế hành vi nào như ban bố tình trạng khẩn cấp hay áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm…

Nhật Bản đã mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào tháng trước. Ảnh: The Japan Times.
Nhật Bản đã mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào tháng trước. Ảnh: The Japan Times.

Trong ngày 14/7, Nhật Bản đã ghi nhận thêm 97.788 ca mắc mới với 33 ca tử vong. Như vậy, kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên, số ca mắc Covid-19 mới tại quốc gia Đông Bắc Á này đã vượt 10 triệu ca, trong đó có 31.547 trường hợp tử vong. Trong khi đó, thủ đô Tokyo trong ngày 14/7 cũng đã ghi nhận 16.662 ca mắc Covid-19 mới, là ngày thứ 3 liên tiếp có trên 10.000 ca mới, tăng gần gấp đôi so với trước đó 1 tuần.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng gia tăng ca nhiễm, xứ sở Mặt Trời mọc không áp đặt hạn chế bổ sung nào nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Trước mắt, chính phủ và chính quyền các địa phương sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế như đảm bảo số lượng giường bệnh, hỗ trợ hệ thống điều trị y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, củng cố hệ thống khám và điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội theo hướng thận trọng.

Thủ tướng Kishida cho biết trong kỳ nghỉ hè sắp tới, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động giao lưu, tham quan, di chuyển cả trong và ngoài nước có thể sẽ làm gia tăng các ca mắc Covid-19 mới. Để đảm bảo phát hiện và điều trị kịp thời, bên cạnh 13.000 cơ sở xét nghiệm miễn phí hiện nay, chính phủ sẽ thiết lập thêm 100 cơ sở xét nghiệm miễn phí tạm thời tại các nhà ga và sân bay lớn trong cả nước.

Nhật Bản đã mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào tháng trước, nhưng chỉ đón du khách đăng ký tour theo nhóm qua một công ty lữ hành, với giới hạn số lượng 20.000 lượt khách mỗi ngày. Du khách được yêu cầu đeo khẩu trang khi đến Nhật Bản. Trong khi đó, các cuộc khảo sát cho thấy ngày càng có nhiều người Nhật ủng hộ chính sách chung sống với virus và không muốn đất nước tiếp tục đóng cửa biên giới.

Ngày càng có nhiều người Nhật ủng hộ chính sách chung sống với virus và không muốn đất nước tiếp tục đóng cửa biên giới.
Ngày càng có nhiều người Nhật ủng hộ chính sách chung sống với virus và không muốn đất nước tiếp tục đóng cửa biên giới.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, đa số người dân Nhật Bản cho biết họ không còn sợ virus nữa. Mọi người đều tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng dịch, hầu như tất cả mọi người ở Nhật Bản đều tiêm vaccine, mũi tăng cường và vẫn đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. “Chúng ta phải cẩn trọng nhưng đồng thời, chúng ta phải giúp nền kinh tế phát triển trở lại. Điều đó có nghĩa là mở cửa đất nước cho du khách nước ngoài với tất cả các biện pháp phòng ngừa hợp lý và đúng đắn. Miễn là họ tuân thủ các quy định, tôi chắc chắn rằng hầu hết người Nhật sẽ chào đón du khách nước ngoài,” ông Ken Kato, một doanh nhân trong ngành khách sạn ở Tokyo nói.

 
Ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca nhiễm tại Thái Lan có xu hướng giảm xuống, số ca nhiễm mới tại Indonesia lại tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3. Chính phủ  Philippines cũng cảnh báo số ca có thể tăng ít nhất 20 lần vào cuối tháng này.

Chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch cho một chương trình kích cầu du lịch nội địa có tên Kenminwari (có nghĩa "Giảm giá cho người dân trong tỉnh") và dự định bắt đầu triển khai chương trình mới trong tháng 7 ở tất cả 47 tỉnh, thành để giúp vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Một khi chương trình này được triển khai, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ nâng mức hỗ trợ lên 8.000 yen/người, trong đó bao gồm cả chi phí lưu trú và đi lại. Trước làn sóng lây nhiễm mới, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định có cần thiết tạm hoãn chương trình này hay không sau cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

Trong khi đó, tính đến 0h ngày 13/7, số ca mắc mới trong 24 giờ ở Hàn Quốc lên đến hơn 40.000 ca - con số kỷ lục trong 2 tháng qua. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã quyết định giảm độ tuổi đủ điều kiện tiêm mũi thứ tư vaccine Covid-19 từ mức trên 60 tuổi hiện nay xuống mức trên 50 tuổi. Tuy nhiên, quốc gia Đông Á này cũng không khôi phục các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt áp dụng trước đây như giới hạn giờ hoạt động của các cơ sở kinh doanh hoặc số lượng người được phép tụ tập nhóm cá nhân.

Hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định tự cách ly trong vòng 7 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh. 
Hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định tự cách ly trong vòng 7 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh. 

"Chúng ta đang trải qua những ngày nắng nóng nhất với nhiệt độ cao kỷ lục, vì vậy mọi người ưa chuộng các hoạt động giải trí trong nhà hơn. Chính điều này đã trở thành cơ hội khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn rất nhiều," giáo sư bệnh truyền nhiễm Lee Jae Gak - thuộc Đại học Hanlim nhận định. Một nguyên do nữa, theo giáo sư Lee, là hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định tự cách ly trong vòng 7 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh. Hơn nữa, tháng 6 cũng trùng với thời điểm mùa hè là mùa của các lễ hội và du lịch, vì thế tình trạng bùng dịch là gần như khó tránh khỏi.

Cũng theo giáo sư Lee, để có thể đương đầu trực tiếp với làn sóng dịch mới mà không cần lệnh giãn cách xã hội như trước kia, việc quan trọng và cấp thiết nhất lúc này là chính quyền phải trang bị đầy đủ và nhanh chóng về mặt y tế. Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết, thay vì thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc như năm ngoái, họ sẽ chỉ đề cao ý thức và tinh thần tự giác của mỗi người dân. Bên cạnh đó, qua hơn một năm rưỡi chiến đấu với dịch bệnh, mỗi người dân đều đã tự biết cách bảo vệ mình và mức độ phủ sóng vaccine đã đạt được tỉ lệ khá cao trên phạm vi toàn quốc.

Theo kế hoạch, trong tháng 8 tới, thủ đô Seoul (Hàn Quốc) sẽ khởi động lễ hội du lịch thường niên Seoul Festa, với các chương trình đặc sắc như giải đua xe ôtô điện, trình diễn ca nhạc... nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến với quốc gia Đông Bắc Á. Năm 2022 sẽ là năm đầu tiên Seoul Festa được tổ chức, dự kiến bắt đầu ngày 10/8 và kéo dài 5 ngày với quy mô trên toàn thành phố.

Số ca mắc mới trong 24 giờ ở Hàn Quốc đã lên đến hơn 40.000 ca, liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức sự kiện Seoul Festa?
Số ca mắc mới trong 24 giờ ở Hàn Quốc đã lên đến hơn 40.000 ca, liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức sự kiện Seoul Festa?

Một trong những sự kiện nổi bật trong khuôn khổ lễ hội năm nay là giải vô địch ABB FIA Formula E - một cuộc thi đua xe điện đẳng cấp thế giới, dự kiến diễn ra ngày 13 và 14/8 tại Khu liên hợp thể thao Jamsil, phía Đông Nam thành phố Seoul. Bên cạnh đó, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng là buổi biểu diễn mở màn ngày 10/8 tại sân vận động của Khu liên hợp thể thao Jamsil, trong đó quy tụ dàn sao K-pop đình đám như nam ca sỹ RAIN, nhóm nhạc NCT Dream và Le Sserafim. 

Theo thị trưởng thành phố Oh Se-hoon, sự kiện Seoul Festa là tín hiệu khởi đầu cho quá trình phục hồi của ngành du lịch tại thủ đô. Ông Oh cho biết chính quyền thành phố dự kiến lên kế hoạch tổ chức Seoul Festa tháng 5 hằng năm, bắt đầu từ năm 2023, nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy lượng du khách nước ngoài đến với thủ đô, đạt mục tiêu 28 triệu lượt khách trong 4 năm.