17:37 21/11/2022

Du lịch phục hồi, các “ông lớn” khách sạn mở rộng hoạt động

Anh Nhi

Sự phục hồi trở lại của lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trong 10 tháng đầu năm 2022 cùng triển vọng tăng trưởng tích cực của ngành du lịch trong trung và dài hạn tiếp tục là nhân tố hấp dẫn các “ông lớn ” khách sạn mở rộng hoạt động tại Việt Nam...

Crowne Plaza Phu Quoc Starbay vừa khai trương tại Phú Quốc.
Crowne Plaza Phu Quoc Starbay vừa khai trương tại Phú Quốc.

Các thương hiệu quản lý khách sạn hạng sang đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam để sẵn sàng cho sự tăng tốc trở lại trong những năm tới.

Tập đoàn IHG Hotel & Resorts, chủ sở hữu các thương hiệu như Six Senses, InterContinental, Regent hay Crowne Plaza, vừa công bố kế hoạch phát triển dài hạn tại Việt Nam nhằm đưa Việt Nam trở thành thị trường trọng điểm tại khu vực Đông Nam Á.

ĐẨY MẠNH CÁC KẾ HOẠCH DÀI HẠN

Theo đó, bên cạnh 15 khách sạn thuộc 5 thương hiệu hiện đang quản lý trên toàn quốc, IHG có kế hoạch khai trương thêm 22 khách sạn trong vòng 3-5 năm tới.

Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc.
Ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc.

“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã tăng cường phát triển quan hệ hợp tác dài hạn cùng các tập đoàn chủ sở hữu như Tập đoàn BIM hay Tập đoàn Sun Hospitality và các đối tác mới như Công ty TNHH du lịch sinh thái Cồn Bắp. Chúng tôi sẽ cùng nhau thúc đẩy thương hiệu tăng trưởng một cách bền vững khi triển khai hợp tác với các đối tác phù hợp để phát triển thương hiệu phù hợp tại vị trí phù hợp”, ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc cho biết.

Đặc biệt, thông qua việc thiết lập văn phòng tại TP.HCM và mở rộng đội ngũ nhân lực tại thị trường sở tại, IHG kỳ vọng sẽ gia tăng thêm sự hiểu biết về thị trường để từ đó có thể phát huy tốt sức mạnh và quy mô các chương trình, doanh nghiệp và hệ thống toàn cầu của IHG.

“Trong tương lai, tập đoàn sẽ tập trung mang nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới đến thị trường Việt Nam hơn, bao gồm thương hiệu cao cấp Voco Hotel, thương hiệu khách sạn boutique cao cấp Hotel Indigo và Holiday Inn Experess tới Việt Nam”, ông Rajit nhấn mạnh.

Theo Savills Hotels, các đơn vị nước ngoài đang rất chú trọng mở rộng tại thị trường Việt Nam. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng dự án du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là số lượng khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế hoặc khu vực.

Nếu trong năm 2010, số khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao mang thương hiệu quốc tế mới dừng lại ở 33 thì sang năm 2019, con số đã tăng lên 74. Dự kiến, trong năm 2022 sẽ có khoảng 160 khu nghỉ dưỡng mang thương hiệu tại các điểm đến du lịch, gấp 2 lần so với năm 2019, bất chấp 2 năm gián đoạn vì Covid-19.

“Các dự án nghỉ dưỡng thu hút được sự quan tâm của nhà điều hành nhiều hơn so với vài năm trước nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt hơn, chú trọng vào thiết kế, tăng trưởng niềm tin với các đơn vị quản lý quốc tế cũng như mong muốn của chủ đầu tư trong việc tạo ra sản phẩm khác biệt”, ông Mauro Gasparrotti, Giám đốc bộ phận Savills Hotels khu vực châu Á - Thái Bình Dương đánh giá.

THỊ TRƯỜNG PHỤC HỒI NHANH CHÓNG

Lý giải về sự hấp dẫn của thị trường khách sạn, nhiều chuyên gia cho rằng với lượng khách du lịch ngày càng tăng, thị trường khách sạn và khu nghỉ mát của Việt Nam trở nên hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư trong khu vực. Điều này biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường được nhắc đến nhiều nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.

Du lịch phục hồi, các “ông lớn” khách sạn mở rộng hoạt động - Ảnh 1

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tổng số khách du lịch nội địa trong tháng 10/2022 ước đạt 5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 91,8 triệu lượt, vượt qua con số cả năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19 là 85 triệu lượt).

Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng đạt 2,357 triệu lượt người, gấp 18,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 83,7% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Điều này cho thấy thị trường du lịch nội địa cũng như quốc tế đã phục hồi trở lại mạnh mẽ nhờ chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 và hàng loạt các sự kiện phát động lại thị trường của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp…

Sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam cũng được ghi nhận rõ nét trong các thống kê của nước ngoài. Số liệu từ Công ty nghiên cứu du lịch STR cho thấy mức độ lấp đầy phòng trống khắp cả nước đang trên đà tăng trưởng với mức tăng 65% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021. Trong đó, giá đặt phòng trung bình (ADR) tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, có thể thấy nhu cầu du lịch tại Việt Nam đang tăng mạnh trở lại sau giai đoạn bị dồn nén.

Cùng với đó, theo ông Sukumaran, dữ liệu tìm kiếm mới nhất của IHG cũng cho thấy du khách đến từ các quốc gia Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đều đang chủ động tìm kiếm điểm đến là Việt Nam. Đồng thời, số lượt tìm kiếm đến từ những thị trường này cũng cao hơn hẳn so với năm 2019.

“Dù Việt Nam mở cửa sau châu Âu và Mỹ song là một trong những quốc gia mở cửa sớm nhất trong khu vực. Đặc biệt, với việc dỡ bỏ hạn chế đi lại, thực hiện hàng loạt chương trình “đánh thức” du lịch, phát huy những giá trị tài nguyên, tạo đột phá và sức hấp dẫn, du lịch Việt Nam đã đi qua giai đoạn trầm lắng vì những tác động từ Covid-19”, ông Sukumaran nhận định.

TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG TỐT

Trong báo cáo được phát hành tháng 8/2022, Fitch Solutions dự kiến lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD năm 2019, 1 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch đến đất nước. Theo Fitch Solutions, đây là triển vọng tốt cho các quốc gia muốn đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói”.

Du lịch phục hồi, các “ông lớn” khách sạn mở rộng hoạt động - Ảnh 2

Đại diện IHG cũng tin tưởng về sự phục hồi và tăng tốc của ngành này trong những năm tới, đặc biệt khi nhìn vào chỉ số thống kê trong 10 tháng và giai đoạn vài năm trở lại đây. Theo đó, mức tăng trưởng hàng năm lên tới 2 con số cho thấy sự phát triển đáng kinh ngạc của ngành du lịch Việt Nam.

Tuy vậy, nhìn vào những động lực tăng trưởng của ngành khách sạn, ông Rajit cho rằng sẽ vẫn là những yếu tố như thời điểm trước đại dịch. Hiện tần suất hoạt động các chuyến bay Đông Nam Á và đường bay chặng dài chưa đạt được mức trước đại dịch (yếu tố tác động đến sự hồi phục kinh tế) nhưng với nhu cầu du lịch dồn nén và các lộ trình phát triển du lịch, đại diện IHG tin rằng tương lai ngành du lịch trong nước sẽ rộng mở.

“Bất chấp những ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu, lượng đặt phòng đang có dấu hiệu phục hồi với nhiều hoạt động hội họp, du lịch MICE quy mô lớn và nhu cầu nghỉ dưỡng tăng cao. Đồng thời, trong tương lai dự kiến có nhiều đám cưới diễn ra, báo hiệu sự trở lại của ngành một cách mạnh mẽ”, ông Rajit nhận định.