09:10 21/10/2024

Du lịch sáng tạo Việt Nam được kỳ vọng tạo ra sức hút

Tường Bách

Khi những loại hình du lịch truyền thống đang dần bị nhàm chán, mức độ cạnh tranh khốc liệt, du lịch sáng tạo được kỳ vọng tạo ra sức hút khi Việt Nam có hơn 40.000 di sản/di tích đồng thời hội tụ sự đa dạng cả về văn hóa lẫn lịch sử…

Ảnh: Visit Hoi An
Ảnh: Visit Hoi An

Ở nhiều quốc gia và điểm đến, du lịch sáng tạo được coi như một giải pháp cần thiết cho sự phát triển của ngành kinh tế du lịch. Tại Việt Nam, du lịch sáng tạo đánh giá như "mỏ vàng", nhưng phát triển còn manh mún, chưa khai thác được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm. Ở các điểm thực hành du lịch sáng tạo, nhà cung ứng dịch vụ du lịch thường đơn thuần chỉ bán sản phẩm, dịch vụ, chưa biết cách lôi cuốn, tạo nên sự hài lòng của khách hàng.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA ĐIỂM ĐẾN

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển du lịch sáng tạo ở Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tiễn” mới đây tại Hà Nội, ThS. Lưu Thị Thu Thủy, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết, du lịch sáng tạo là một loại hình của du lịch văn hóa và tập trung vào các từ khóa “trải nghiệm”, “tham gia”, “học hỏi”, ở đó du khách không chỉ dừng lại ở hoạt động chiêm ngưỡng, tham quan, ngắm nhìn mà còn trực tiếp tham gia, trải nghiệm.

Theo ThS. Lưu Thị Thu Thủy, hiện, ở Việt Nam hiện đã có một số mô hình du lịch sáng tạo. Ở Hội An có mô hình tour “Một ngày làm cư dân phố cổ”. Tại các hoạt động du lịch sáng tạo này, du khách sẽ có cơ hội sống với các gia đình nghệ nhân ở làng nghề, tham gia trồng rau, tập chèo thuyền, thả lưới. Ở Huế có du lịch mưa Huế (thưởng thức trà cung đình, chơi và nghe ca nhạc về mưa, chế biến làm đồ lưu niệm trong lúc mưa…). Một số địa phương cũng có nhiều mô hình dự án du lịch sáng tạo đã được thực thi như: “Rơm Đường Lâm”, “Gió Bạc Liêu”… Đây là những tín hiệu tốt.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng bản chất của phát triển du lịch bền vững đã bao gồm sáng tạo. Bởi “phát triển” không thể chỉ trạng thái đứng yên tại chỗ. Hai yếu tố này sẽ bổ khuyết cho nhau. “Nếu chỉ giữ các sản phẩm du lịch cũ, chúng ta sẽ không thể thu hút được du khách lâu dài. Vì con người luôn hứng thú với những điều mới lạ”, PGS. TS. Phạm Hồng Long phân tích.

Thành phố Hội An đã thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cho khách ăn ở trong các hộ gia đình trong khu phố cổ. Ảnh: Visit Hoi An
Thành phố Hội An đã thí điểm mô hình lưu trú trải nghiệm cho khách ăn ở trong các hộ gia đình trong khu phố cổ. Ảnh: Visit Hoi An

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển du lịch sáng tạo ở Việt Nam, vai trò của quản lý nhà nước và các chính sách là vấn đề cần được chú trọng. Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng phát triển du lịch sáng tạo đòi hỏi sự can thiệp và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà nước. Trước hết, nhà nước cần có một chương trình và triết lý rõ ràng để phát triển du lịch sáng tạo. “Chỉ khi có một chiến lược tổng thể, chúng ta mới có thể liên kết”, ông Bùi Thanh Minh khẳng định.

Từ góc nhìn của Hà Nội, TS. Bùi Nhật Quỳnh, Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định Hà Nội chú trọng vào du lịch sang tạo và đã thành công ở một số mô hình. Tuy nhiên, TS. Bùi Nhật Quỳnh, cũng thừa nhận rằng những sản phẩm du lịch này chỉ dừng ở mức trải nghiệm thông thường, các sản phẩm đều phát triển manh mún và tự phát nên chưa khai thác và thể hiện được tính đặc trưng văn hóa vốn có của sản phẩm.

Đồng quan điểm, ThS. Lê Anh Thư, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho rằng việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo về thiết kế của UNESCO vào năm 2019 là một cột mốc và bước tiến quan trọng trong việc Việt Nam phát triển tiềm năng du lịch sáng tạo của mình. Hà Nội có thể đóng vai trò bản lề mang tính thử nghiệm cho các thành phố khác của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm.

HÀ NỘI LẦN ĐẦU TỔ CHỨC TUYẾN LỄ HỘI

Tháng 11 này, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 09 - 17/11/2024 gồm hơn 100 hoạt động xung quanh Quảng trường Cách mạng tháng 8 (quận Hoàn Kiếm) cùng các địa điểm hưởng ứng ở 30 quận, huyện thị. Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, lần đầu tiên Lễ hội giới thiệu một hình thức trải nghiệm mới hướng đến công chúng tham gia, đó là bố trí không gian lễ hội theo tuyến, giúp khai mở những giao điểm sáng tạo xuyên lịch sử và đa thế hệ, gắn chặt với các công trình di sản đặc sắc có tính biểu tượng của Hà Nội.

Cung thiếu nhi sẽ là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của Lễ hội. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội
Cung thiếu nhi sẽ là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động của Lễ hội. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Tuyến lễ hội có lẽ còn mới mẻ tại Việt Nam nhưng là hình thức tổ chức lễ hội phổ biến ở khá nhiều thành phố trên thế giới. Việc trải nghiệm theo tuyến đòi hỏi người tham gia nắm được lịch trình hoạt động và địa điểm hoạt động của Lễ hội, sau đó chủ động lựa chọn các hoạt động, sự kiện và địa điểm yêu thích của mình và lên kế hoạch đi trải nghiệm theo thời gian phù hợp trong những ngày diễn ra Lễ hội. Thiết kế lễ hội theo tuyến giúp gia tăng sự tích cực tham gia, khuyến khích sự tìm hiểu và tự do lựa chọn của người trải nghiệm.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ khai thác tuyến trung tâm là Quảng trường Cách mạng tháng Tám với hai trục Bắc Nam (phố Lý Thái Tổ – phố Lê Thánh Tông) và Đông Tây (dốc Bác Cổ – phố Tràng Tiền, liên kết các công trình kiến trúc nổi bật, gắn liền với lịch sử Thủ đô Hà Nội, kết hợp với các hoạt động trên các tuyến phố, vườn hoa trong khu vực, tạo ra một cuộc đối thoại mới mẻ và giàu ý nghĩa giữa kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản tinh hoa.

Bắt đầu từ Cung thiếu nhi với các hoạt động sáng tạo như sắp đặt, sáng tạo, công trình biểu tượng, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật… và sau đó là cụm tác phẩm kiến trúc, sắp đặt, ánh sáng… ở tòa nhà 19 Lê Thánh Tông – Đại học Quốc gia. Từ các công trình pavilion “Hành lang Ấu Trĩ” tại Cung Thiếu nhi, pavilion “Dòng” tại Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng, pavilion “Bảo tàng lịch sử tương lai” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… cho đến các hoạt động triển lãm – trưng bày – sắp đặt nghệ thuật, các buổi biểu diễn nghệ thuật, và nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo khác.

Pavilion Dòng là một cụm 2 công trình kiến trúc được đặt tại khu vực Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội
Pavilion Dòng là một cụm 2 công trình kiến trúc được đặt tại khu vực Bắc Bộ Phủ và Vườn hoa Diên Hồng. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

Trong khi đó, Nhà hát Lớn lại chứng kiến một Lễ diễu hành độc nhất vô nhị, vinh danh 7 lĩnh vực sáng tạo của thành phố bao gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống và âm nhạc. Điểm cuối của "trục sáng tạo" là Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ), nơi tổ hợp triển lãm "Cảm thức Đông Dương" làm sống dậy không gian nghệ thuật và kiến trúc xưa cũ, qua lăng kính của hiện đại.

Các tuyến phố Ngô Quyền, Nguyễn Xí, Tràng Tiền – những tuyến phố thương mại sầm uất của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các trung tâm biểu diễn, đào tạo nghệ thuật như Cung Thiếu nhi, Rạp Công nhân…; các không gian triển lãm, các cơ quan ngoại giao… chính là những yếu tố cộng hưởng nhằm thu hút khách tham gia lễ hội.

Dịp này, thành phố cũng kêu gọi rộng rãi các đơn vị, tổ chức, cá nhân nằm trên tuyến trải nghiệm Giao lộ sáng tạo hưởng ứng bằng các hoạt động đa dạng như trưng bày, sắp đặt… vừa tạo sự phong phú cho hoạt động lễ hội, vừa lan tỏa tinh thần sáng tạo tới cộng đồng. Tất cả chương trình đều miễn phí.