Dự thảo sửa đổi Thông tư số 39/2019 gây lúng túng cho chủ phương tiện, người thuê tàu, thuyền
VCCI cho rằng yêu cầu lập sổ nhật ký phương tiện áp dụng đối với phương tiện thuỷ nội địa chở hàng có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên sẽ gây lúng túng triển khai do mâu thuẫn với quy định hiện hành. Đồng thời, chủ phương tiện, người thuê chưa rõ phương thức điện tử sử dụng để khai báo ngày xuống, rời phương tiện...
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2019/TT-BGTVT ngày 15/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.
Thông tư này áp dụng đối với chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trách nhiệm, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa.
Về sửa đổi quy định trách nhiệm của chủ phương tiện và tổ chức, cá nhân thuê phương tiện tại Khoản 2 Điều 1 dự thảo sửa đổi Khoản 2, Khoản 9, bổ sung Khoản 10 Điều 4 Thông tư 39/2019/TT-BGTVT, VCCI cho biết đối với việc lập sổ nhật ký phương tiện, so với quy định hiện hành, dự thảo đã điều chỉnh theo hướng yêu cầu lập sổ nhật ký phương tiện áp dụng đối với phương tiện chở hàng có trọng tải toàn phần từ 500 tấn trở lên, thay vì từ 250 tấn.
Tuy nhiên, sửa đổi này có một điểm vướng liên quan đến quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2021/NĐ-CP, xử phạt hành vi “không có hoặc có nhưng không ghi chép đầy đủ sổ nhật ký phương tiện theo quy định” đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 250 đến 1.000 tấn”.
"Điều này sẽ tạo ra sự lúng túng trên thực tế triển khai, vì theo quy định tại dự thảo, phương tiện có trọng tải toàn phần từ 250 tấn đến dưới 500 tấn không cần phải lập sổ nhật ký phương tiện, trong khi đó theo quy định tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP thì sẽ bị xử phạt vi phạm", VCCI lưu ý.
VCCI cho rằng quy định xử phạt vi phạm hành chính sẽ phải dựa vào các quy định của pháp luật về nội dung để xác định các hành vi vi phạm.
Vì vậy, để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực thi, VCCI đề nghị ban soạn thảo kiến nghị sửa Điểm c Khoản 4 Điều 15 Nghị định 139/2021/NĐ-CP để đảm bảo tương thích với dự định sửa đổi tại dự thảo.
Về khai báo, dự thảo bổ sung quy định mới, “phải khai báo ngày xuống, rời phương tiện và bố trí chức danh cho thuyền viên làm việc trên phương tiện chở hàng có tổng trọng tải trên 500 tấn, phương tiện chở khách có sức chở trên 50 khách bằng phương thức điện tử vào cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và chịu trách nhiệm về việc khai báo”.
VCCI cho rằng quy định này cần được cân nhắc, xem xét, bởi không rõ “phương thức điện tử” được thực hiện như thế nào?
"Chủ phương tiện và tổ chức thuê phương tiện sẽ phải lắp đặt thiết bị để kết nối với cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Đường thủy nội địa hay là chỉ cần gửi thông tin bằng “phương thức điện tử” như email, tin nhắn", VCCI nêu vấn đề.
Theo phản ánh tại tờ trình hiện nay nhiều chủ phương tiện cũng là thuyền trưởng trên phương tiện, có trình độ về công nghệ thông tin hạn chế, nhất là phương tiện cỡ nhỏ.
"Quy định này sẽ tác động đến các chủ phương tiện, người thuê phương tiện đường thủy nội địa, vì vậy cần có sự đánh giá kỹ lưỡng hơn về khả năng đáp ứng quy định để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trên thực tế", VCCI đề nghị.
Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị ban soạn thảo giải trình rõ hơn về phương thức điện tử sử dụng để khai báo, đồng thời đánh giá tác động đối với quy định bổ sung này, để đảm bảo tính khả thi và thuận lợi trong áp dụng.