06:14 05/08/2009

Đức hướng tới nền kinh tế “năng lượng xanh”

Tuấn Long

Môi trường đang là một trong những vấn đề lớn mà thế giới quan tâm bên cạnh đói nghèo, bệnh tật, khủng bố

Tài nguyên gió ở Đức đang được khai thác tốt.
Tài nguyên gió ở Đức đang được khai thác tốt.
Môi trường đang là một trong những vấn đề lớn mà thế giới quan tâm bên cạnh đói nghèo, bệnh tật, khủng bố.

Chính phủ các nước đã và đang có nhiều chính sách để làm sạch môi trường bảo vệ sức khỏe con người. Một trong những chính sách đó là hướng tới một nền kinh tế “năng lượng xanh”.

Nền kinh tế “năng lượng xanh” là nền kinh tế sử dụng 100% năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, giảm tiêu thụ xăng, dầu, giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính. Nhiều nhà khoa học thế giới dự báo năng lượng sinh học đóng vai trò rất quan trọng trong ngành năng lượng tương lai, nhưng tùy thuộc vào khả năng của các khu vực và quốc gia về cung cấp nguồn năng lượng này một cách bền vững và không ảnh hưởng đến các cây trồng lương thực, để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài.

Một trong những quốc gia đang nỗ lực để trở thành nền kinh tế “năng lượng xanh” là Đức. Nước này đang có nhiều nỗ lực để trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% “năng lượng xanh” tái tạo. Nước Đức dự kiến sẽ thực hiện mục tiêu này vào năm 2050.

Vì sao Đức có thể  thực hiện được “mục tiêu xanh”? Tổ chức Đầu tư và Thương mại Đức cho rằng Đức có thể thực hiện được vì có nguồn năng lượng về kỹ thuật để chuyển đổi sang nền kinh tế “năng lượng xanh”, đi cùng với một yếu tố quan trọng là ý chí chính trị và pháp lý. Và bên cạnh đó, chi phí cho chiến lược này cũng có thể chấp nhận được.

Bộ Môi trường Đức đã công bố bản phác thảo lộ trình thực hiện các kế hoạch hướng đến nền kinh tế “năng lượng xanh”. Dự kiến vào năm 2030 sẽ có khoảng từ 800.000 - 900.000 việc làm mới trong ngành công nghệ sạch ở Đức.

Theo lộ trình thì năm 2008, năng lượng tái tạo mới chỉ chiếm 7% tổng số lượng tiêu thụ năng lượng gốc, nhưng đến năm 2020 con số dự báo sẽ tăng lên 33%, vượt lên nhanh chóng so với các quốc gia châu Âu trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Bản lộ trình nêu nhiều biện pháp, kế hoạch nâng cao hiệu suất năng lượng của quốc gia, trong đó xây dựng mạng lưới “điện thông minh”, giảm tiêu thụ điện năng khoảng 28% trong vòng 20 năm tới. Thực hiện kế hoạch giảm tiêu thụ điện năng, Đức sẽ giảm chi phí hàng tỷ USD chi trả cho nhập khẩu năng lượng.

Cũng theo lộ trình này thì đến năm 2020 ở Đức sẽ có 30% năng lượng điện tiêu thụ có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo. Trong đó năng lượng sức gió đóng góp nhiều nhất, tới 15%; năng lượng sinh học 8%; thủy năng 4%. Ước tính đến năm 2030 Đức có tới 50% năng lượng điện tiêu thụ lấy từ nguồn năng lượng tái tạo. Dự báo trong 20 năm nữa, một “mạng lưới thông minh” kết nối với toàn bộ mạng lưới điện châu Âu sẽ được thiết lập.

Bản lộ trình của Đức đã lên kế hoạch cho biết đến năm 2020 xe hơi điện sẽ sử dụng pin sạc bằng năng lượng tái tạo, làm giảm nhu cầu về xăng cầu và làm giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính.

Tại Đức, có nhiều tài nguyên nguồn năng lượng tái tạo để thực hiện lộ trình “năng lượng xanh”. Nước này dự định sẽ dùng tất cả các nguồn năng lượng tái tạo mà mình có như sức gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và sinh khối.

Riêng tài nguyên gió ở Đức được khai thác tốt nhất. Dọc bờ biển phía Bắc là các bãi tuốc-bin xa bờ khổng lồ trên biển Bắc, có khả năng sản xuất hơn 10.000 MW điện. Bên cạnh năng lượng tái tạo là năng lượng sinh học cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng quốc gia, nhưng nguồn năng lượng sinh học phụ thuộc vào sự phát triển những loại cây trồng không cạnh tranh với các loại cây lương thực khác.

Bên cạnh năng lượng sinh học là sự phát triển với tốc độ nhanh của năng lượng sinh khối. Năng lượng sinh khối Đức năm 2008 đã cung cấp khoảng 3,7% lượng tiêu thụ điện.

Thực hiện “mục tiêu xanh” là một nỗ lực lớn của các quốc gia để bảo vệ môi trường, làm cho trái đất màu mỡ, xanh tươi, con người được sống trong môi trường trong sạch, có sức khỏe, không bị dịch bệnh đe dọa cuộc sống. Trong các quốc gia có nhiều nỗ lực lớn, nước Đức kỳ vọng có nhiều bước đột phá mới để trở thành quốc gia có nền kinh tế “năng lượng xanh” đầu tiên trên thế giới.