14:30 21/04/2022

Đức sẽ dừng nhập khẩu dầu từ Nga từ cuối năm nay

Trang Linh

Đức sẽ giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào mùa hè này và dừng hoàn toàn vào cuối năm nay, tiếp đó sẽ là khí đốt...

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Riga, Latvia ngày 20/4/2022 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Riga, Latvia ngày 20/4/2022 - Ảnh: Reuters

Chính phủ Đức vừa tuyên bố dự kiến dừng nhập khẩu dầu từ Nga vào cuối năm nay và bắt đầu giảm dần nhập khẩu khí đốt từ nước này. Đây là các động thái nằm trong lộ trình giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.

“Tại đây, tôi tuyên bố rõ ràng rằng Đức đang tiến tới dừng nhập khẩu hoàn toàn năng lượng từ Nga”, tờ National Review dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock sau một cuộc họp với đại diện đến từ ba nước Baltic gồm Latvia, Estonia và Lithuania ngày 20/4. “Chúng tôi sẽ giảm một nửa lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào mùa hè này và dừng hoàn toàn vào cuối năm nay, tiếp đó sẽ là khí đốt. Kế hoạch này nằm trong lộ trình chung của châu Âu".

Các quốc gia châu Âu như Đức đang bắt đầu tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong bối cảnh thị trường trải qua biến động mạnh kể từ khi chiến tranh nổ ra. EU nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 27% dầu mỏ từ Nga để đáp ứng nhu cầu trong khối, theo CNN.

“Chúng tôi đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Chúng tôi tin rằng mình có thể làm được điều này trong năm nay”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết trong cuộc họp báo với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London (Anh) đầu tháng này.

Nord Stream 2 hoàn thành vào 9/2021 nhưng chưa thể đi vào hoạt động - Ảnh: AP
Nord Stream 2 hoàn thành vào 9/2021 nhưng chưa thể đi vào hoạt động - Ảnh: AP

Hồi tháng 2, Chính phủ Đức đã dừng quy trình phê chuẩn dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vốn dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay. Trị giá 11,6 tỷ USD, Nord Stream 2 nếu được đưa vào hoạt động sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga sang Đức. Dự án này đã hoàn thành vào 9/2021 nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của cơ quan quản lý Đức và các nước EU.

Trong chiến lược nhằm “dứt tình” với năng lượng Nga, EU đã cam kết từ nay đến cuối năm giảm 66% tiêu thụ khí đốt Nga, và chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào năng lượng Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, đây được đánh giá là một mục tiêu không dễ thực hiện.

Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ tháng 8 tới. Đây là một phần trong gói trừng phạt thứ năm mà châu Âu đưa ra đối với Nga nhằm đáp trả cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, dầu thô và khí đốt – hai mặt hàng năng lượng quan trọng mà Nga cung cấp cho châu Âu – vẫn vắng bóng trong gói trừng phạt này của EU. Việc này khiến Mỹ không ngừng thúc giục EU áp đặt biện pháp trừng phạt với ngành năng lượng Nga.

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến giữa Mỹ và các lãnh đạo EU liên quan đến giai đoạn mới nhất của cuộc chiến ở Ukraine, hai bên đã đạt được đồng thuận về sự cần thiết phải gia tăng sức ép đối với điện Kremlin thông qua việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.

“Chúng tôi sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga một lần nữa”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen xác nhận trong một bài đăng trên Twitter sau đó.

Hiện chưa rõ những biện pháp trừng phạt nào sẽ được đưa ra, song ngành năng lượng được dự đoán là mục tiêu hàng đầu. Theo thông cáo báo chí của Chính phủ Italy ngày 19/4, các quan chức tham gia cuộc họp đã tái khẳng định “cam kết chung trong việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Nga”.