16:42 02/11/2022

Dùng công nghệ viễn thám để phát hiện, xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường

Châu Anh

Trong lĩnh vực công nghiệp, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn ra môi trường, tập kết, đổ xả, chôn lấp trái phép chất thải nguy hại ra môi trường...

Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ ứng dụng công nghệ mới để phát hiện, xử lý vi phạm
Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ ứng dụng công nghệ mới để phát hiện, xử lý vi phạm

Chiều 01/11/2022, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Lễ ký kết “Thỏa thuận hợp tác về khai thác, sử dụng ảnh và các sản phẩm viễn thám phục vụ công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường”.

Theo đại diện Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội đã tạo áp lực lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Tình trạng vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường còn diễn ra phức tạp ở nhiều địa bàn, lĩnh vực, làm cho chất lượng môi trường bị ảnh hưởng, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của con người.

Đặc biệt, vi phạm pháp luật nổi lên trong lĩnh vực công nghiệp, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn ra môi trường, tập kết, đổ xả, chôn lấp trái phép chất thải nguy hại ra môi trường.

Các đối tượng lợi dụng địa hình rộng lớn, hiểm trở tại các khu vực rừng núi, biên giới để khai thác rừng trái pháp luật, hủy hoại rừng; các khu vực khó tiếp cận như vùng rừng núi, cửa biển, các tuyến sông rộng, giáp ranh giữa các địa phương để khai thác khoáng sản trái phép.

Theo đánh giá của Cục Điều tra và Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, khu vực ven bờ biển của Việt Nam có rất nhiều loại chất thải trôi nổi trên biển từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, đến chất thải từ các hoạt động nông nghiệp, bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, từ giao thông vận tải trên biển... nhưng hiện nay vẫn chưa có những công cụ thực sự hiệu quả để theo dõi do phạm vi giám sát quá rộng, các phương pháp quan trắc, giám sát truyền thống khó có thể phủ trùm được.

Công nghệ viễn thám là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường có cơ sở để tham mưu trong việc hoạch định các chính sách, pháp luật, tham mưu chiến lược về phòng chống tội phạm, vừa có thông tin cần thiết để tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường hiệu quả hơn...

PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết, nhằm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 và chuẩn bị khai thác vệ tinh LOTUSat-1, thời gian qua, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã tích cực phối hợp các đơn vị thuộc các bộ, ngành trong cả nước để cụ thể hóa các hợp tác phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là an ninh – quốc phòng.

“Trên cơ sở Thỏa thuận được ký kết ngày hôm nay, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường hoàn thành các nội dung đã thống nhất và quyết tâm đồng hành cùng các đồng chí tạo ra sự đột phá trong việc ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ các nhiệm vụ an ninh – quốc phòng mà Bộ Công an đảm nhiệm”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Tại buổi Lễ, các đại biểu cũng đã trao đổi thảo luận làm rõ hơn vai trò của sử dụng công nghệ viễn tham phục vụ công tác phòng chống tội phạm cũng như các thức phối hợp, chia sẻ dữ liệu nhằm đảm bảo thông tin được nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo an ninh an toàn.