09:59 22/10/2009

Đừng lẫn lộn giữa “linh hoạt” với “phá giá”!

Nguyễn Hoài

Vài tháng qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng nhưng tính chung 10 tháng, mức tăng chỉ 0,16%

"Khác với các nước, Việt Nam không thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi hay cố định mà điều hành theo cơ chế kiểm soát có linh hoạt. Vì thế, việc điều chỉnh tỷ giá là hết sức bình thường".
"Khác với các nước, Việt Nam không thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi hay cố định mà điều hành theo cơ chế kiểm soát có linh hoạt. Vì thế, việc điều chỉnh tỷ giá là hết sức bình thường".
Vài tháng qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân thị trường liên ngân hàng nhưng tính chung 10 tháng, mức tăng chỉ 0,16%. Thực tế này là “phá giá” nội tệ hay “linh hoạt” trong điều hành?

Ngày 20/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc chia sẻ với báo giới về vấn đề này.

Thưa Thống đốc, ông đánh giá thế nào xung quanh các cân đối của cán cân thanh toán tổng thể hiện nay?

Đến bây giờ đánh giá lại mới thấy rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động đến Việt Nam khá nghiêm trọng. Năm nay, dự kiến xuất khẩu giảm 9,9%, năm tới có thể tăng trở lại 6% và FDI mặc dù chưa công bố nhưng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Kiều hối tính đến thời điểm hiện tại có thể giảm tới 15 - 20%, năm ngoái kiều hối đạt 7,2 tỷ USD, năm nay có thể mất hơn 1 tỷ USD.

Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành phải làm việc cật lực với các tổ chức tài chính quốc tế để bổ sung nguồn ngoại tệ. Ngày 20/10, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ký kết khoản vay trị giá 500 triệu USD trong 5 năm từ Quỹ hỗ trợ chống khủng hoảng theo chu kỳ của ADB để hỗ trợ ngân sách Việt Nam thực hiện các chương trình chi tiêu công năm 2009 và 2010.

Song song, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đàm phán với Nhật Bản để vay tiếp 500 triệu USD nữa và cùng đó là hoàn tất những thủ tục cuối cùng để vay thêm 1 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới (WB) trong thời gian sớm nhất.

Chưa kể, một số các khoản vay khác như vay WB cho chương trình xóa đói giảm nghèo 135 khoảng 325 triệu USD và vay thêm của ADB khoảng 75 triệu USD. Tất cả những nguồn ngoại tệ này vô cùng cần thiết để bổ sung cho cân đối cán cân thanh toán tổng thể. Trong bối cảnh các nước cũng khó khăn do khủng hoàng, chuyện vay mượn thật không dễ dàng chút nào.

Gần đây, không tiếp tục nới biên đô, nhưng Ngân hàng Nhà nước liên tục tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Động thái này phản ánh điều gì, thưa Thống đốc?
 
Tính chung từ đầu 2008 đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá với mức biến động khoảng 5,16% nhưng lưu ý là từ đầu 2009 đến nay mức điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD chỉ 0,16%.

Khác với các nước, Việt Nam không thực hiện cơ chế tỷ giá thả nổi hay cố định mà điều hành theo cơ chế kiểm soát có linh hoạt. Vì thế, việc điều chỉnh tỷ giá là hết sức bình thường.

Cũng có băn khoăn rằng, với cân đối chung của các yếu tố như xuất khẩu, nhập khẩu, nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp, vì sao Ngân hàng Nhà nước không điều hành tỷ giá sát hoặc thả nổi theo “chợ đen” nhưng theo tôi, trong bối cảnh hiện tại, không nên thực hiện thả nổi tỷ giá. Bởi lẽ, nếu phá giá VND đúng là có lợi cho xuất khẩu một ít nhưng nhập khẩu giảm, sản xuất suy giảm thì ai chịu?

Điều hành tỷ giá trong bối cảnh hiện nay rất khó khăn. Gần đây, FII mới “dương” nhưng mức độ “dương” ròng cũng chỉ khoảng vài triệu USD/ngày, chẳng hạn như ngày 19/10, chỉ “dương” 2,1 triệu USD và so sánh tổng thể với đầu năm vẫn còn “âm” khoảng 500 triệu USD. Trong khi nguồn ngoại tệ từ du lịch, kiều hối chưa lấy lại đà tăng trưởng như trước.

Tuyên bố không phá giá nội tệ sau đó lại điều chỉnh tăng và coi đó là sự linh hoạt, Thống đốc giải thích như thế nào giữa “linh hoạt” và “phá giá”?

Trước hết, Chính phủ chưa bao giờ tuyên bố phá giá đồng nội tệ và chính sách này sẽ còn tiếp tục duy trì cho đến lúc nào điều kiện khách quan, chủ quan cho phép thực hiện thả nổi tỷ giá.

Còn tại sao mấy tháng gần đây Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng là vì muốn duy trì ổn định thì phải có sự linh hoạt. Dù với bất kỳ lý do gì, chúng ta cũng không thể thoát ly thực tế, tách rời hoạt động điều hành công cụ tỷ giá với diễn biến cung cầu của thị trường.

Tuy nhiên, sự linh hoạt ở đây chỉ ở một phạm vi và mức độ nhất định, nên lưu ý là từ đầu năm đến nay, mức độ điều chỉnh tăng tỷ giá chỉ 0,16% trong khi điều chỉnh mức từ 5% trở lên mới được coi là phá giá đồng tiền.