“Đừng nghĩ gói hỗ trợ phục hồi là bơm tiền vào nền kinh tế”
Đây là nhấn mạnh của GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc Hội đoàn TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economics Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức ngày 14/1...
Chia sẻ tại phiên thảo luận với chủ đề "Sức bật của các ngành kinh tế và khu vực doanh nghiệp gắn với chính sách phục hồi và động lực tăng trưởng mới", ông Cường chỉ rõ các cơ hội cũng như thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt trong năm 2022.
"Về cơ hội, Việt Nam đã thích ứng rất tốt với dịch bệnh trong năm 2021, từ chỗ khủng hoảng trầm trọng trong làn sóng dịch lần thứ tư, đến nay, chúng ta đã trở lại trạng thái khá ổn định. Sang năm 2022, dù diễn biến dịch vẫn khó lường, tôi vẫn kỳ vọng ta đang có tâm thế tốt. Chủ trương thích ứng của Chính phủ là điểm vô cùng quan trọng, song song với đó là lợi thế từ sự đồng lòng của người dân. Do đó, tôi cho rằng sẽ không có chuyện bị đứt gãy như trong năm 2021", ông Cường phân tích.
Cũng theo ông Cường, cơ hội thứ hai là Việt Nam có thể được hưởng lợi lớn từ đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ của thế giới nhờ độ mở của nền kinh tế. Năm 2021, dù khó khăn nhưng tăng trưởng xuất của Việt Nam vẫn rất mạnh. Đây là tiền đề cho nền kinh tế phát triển trong năm và cũng là cơ hội phải "chớp lấy".
Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang đứng trước lợi thế lớn từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ quy mô gần 350.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua ngày 11/1, hứa hẹn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp phục hôi và vực dậy, chớp lấy cơ hội từ làn sóng phục hồi của kinh tế thế giới. Theo đó, Việt Nam không sợ bị lỡ nhịp nếu thực hiện hiệu quả các chính sách này.
Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội cũng chỉ rõ 2 thách thức lớn của nền kinh tế.
"Trước hết tâm thế mới trong công tác phòng, chống dịch vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức nếu như không cẩn trọng, chủ quan, lúng túng, giật mình mà để lặp lại điểm nào đó trong năm 2021 thì sẽ đẩy nền kinh tế đi xuống và rất khó theo kịp thế giới. Biến số về phòng chống dịch là điều chúng ta vẫn phải quan tâm", ông Cường chỉ rõ.
Thách thức nữa, theo TS. Hoàng Văn Cường, liên quan tới vấn đề nợ xấu. Đây là nguy cơ tiềm ẩn, làm cho ngân hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân tiếp gói hỗ trợ 40.000 tỷ hỗ trợ lãi suất, làm cho nhiều hoạt động mà chúng ta muốn đẩy nguồn lực vào gặp khó khăn.
Về nguy cơ lạm phát tăng cao, ông Cường cho biết bản thân ông không e ngại vấn đề này nhiều bởi dù gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng là chương trình kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, nhưng thực tế nguồn tiền mới đưa vào chỉ có 176.000 tỷ. Trong đó, 113.000 tỷ dành cho đầu tư hạ tầng.
"Gói này không thể giải ngân ồ ạt được. Ví dụ, với kế hoạch 72.000 tỷ đầu tư cho tuyến cao tốc Bắc – Nam, tôi dự báo trong năm 2022 chỉ giải ngân được khoảng 30.000 tỷ. Do đó, trên thực tế lượng tiền đưa vào nền kinh tế không phải nhiều", TS. Hoàng Văn Cường nêu quan điểm đồng thời cảnh báo rằng không nên nghĩ gói hỗ trợ này là bơm tiền vào nền kinh tế.
"Gói hỗ trợ này gần như gói tất cả người dân hưởng lợi. Phần đông doanh nghiệp hưởng lợi. Lan toả tất cả. Đối tượng được thụ hưởng chính ở đây là những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ở đây không phải bỏ tiền ra mà ai hoạt động kinh doanh mới được hưởng lợi. Ta phải nhấn mạnh rằng gói hỗ trợ này không phải bơm tiền vào nền kinh tế", đại biểu Quốc hội Hà Nội nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, cũng chia sẻ đánh giá về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết chương trình này có 2 tác động.
Một là trực tiếp, những doanh nghiệp được chỉ mặt điểm tên như hỗ trợ giảm lãi suất, VAT hay hỗ trợ cho người lao động một số khu kinh tế lớn để thuê nhà, nhưng lớn hơn là tạo ra cơ hội kinh doanh lớn hơn cho toàn bộ doanh nghiệp.
Hai là gián tiếp, tạo dư địa cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Lần đầu tiên Quốc hội họp Bất thường đưa ra Nghị quyết như vậy là Quốc hội rất khẩn trương rồi nhưng tôi mong muốn Chính phủ cũng sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế", ông Hiếu nói. "Tinh thần khẩn trương quyết liệt này từ nay trở đi là việc bình thường chứ không phải sau dịch lại đủng đỉnh. Cá nhân tôi mong muốn trong tháng 1/2022 phải ban hành được biện pháp cụ thể. Và để được vậy, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý kinh tế bộ ngành tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình".
Ngày 11/1, trong khuôn khổ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung cơ bản của chương trình có quy mô gần 350.000 tỷ đồng, gồm 5 nhóm trọng tâm: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; và Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Chương trình được triển khai trong 2022 và 2023. Trong đó, các chính sách tài khóa có quy mô hơn 291.000 tỷ đồng, bao gồm tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng.
Theo tính toán của Chính phủ, với chương trình này, bội chi ngân sác Nhà nước bình quân năm 2022-2023 tăng thêm khoảng 1,2% GDP mỗi năm, nợ công đến cuối năm 2025 là khoảng 49-50% GDP, còn nợ Chính phủ là khoảng 45-46%GDP. Chương trình cũng tác động đến chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước, có thể có năm vượt 25%. Cùng với đó, áp lực lạm phát cũng là một trong những tác động cần lưu ý của chương trình.