15:57 14/06/2023

Được chuyển giao sang SCIC, hai quỹ đầu tư thuộc PVI bán cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn của DVN

Hà Anh

Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI thông báo đã bán ra 7.687.182 cổ phiếu DVN trong phiên 1/6. Lý do giao dịch nhằm giảm tỷ trọng đầu tư.

Sơ đồ giá cổ phiếu DVN trên HNX.
Sơ đồ giá cổ phiếu DVN trên HNX.

Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI thông báo không còn là cổ đông lớn của Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP - Vinapharm (mã DVN-UPCoM).

Cụ thể: Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI thông báo đã bán ra 7.687.182 cổ phiếu DVN trong phiên 1/6. Lý do giao dịch nhằm giảm tỷ trọng đầu tư.

Sau giao dịch trên, lượng cổ phiếu mà Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI nắm giảm từ 14.194.000 CP, chiếm 5,99% xuống còn 6.506.818 cổ phiếu, chiếm 2,75%, chính thức không còn là cổ đông lớn tại Vinapharm.

Tạm tính theo thị giá đóng cửa cùng phiên của DVN, ước tính thương vụ trên đã đem lại cho Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI khoảng 142 tỷ đồng.

Như vậy, đây là giao dịch thoái vốn thứ 3 liên tiếp của Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI tại Vinapharm trong vài tuần trở lại đây. Hai lần bán ra trước đó ghi nhận trong các phiên 25 - 26/5 và 31/5, lần lượt bán ra gần 10 triệu cổ phiếu và hơn 14 triệu cổ phiếu DVN.

Trước đó, Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI (PIF) - tổ chức có liên quan tới Quỹ Đầu tư Cơ hội PVI (POF) đã bán 2,65 triệu cổ phiếu DVN, ngày giao dịch làm thay đổi sở hữu là 5/4/2023. Theo đó Quỹ đầu tư Hạ tầng PVI hạ sở hữu từ 1,9% vốn DVN xuống còn 0,78%.

Ngày 30/6, DVN sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 tại Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP, số 12 Ngô Tất Tố, Hà Nội. Theo đó, DVN dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch 2023 với chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.918 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 335 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 4% và 154% so với thực hiện năm trước. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 5%.

Kết thúc quý 1/2023, DVN ghi nhận doanh thu đạt 1.234 tỷ đồng, tăng trưởng 15% (1.074 tỷ); Lợi nhuận trước thuế hơn 120 tỷ đồng, gấp 2,4 lần quý 1/2022 (48,7 tỷ) và đạt 36% mục tiêu lợi nhuận cả năm. LNST thuộc cổ đông công ty mẹ hơn 98 tỷ đồng - cùng kỳ đạt hơn 39 tỷ đồng.

Lý giải cho mức tăng trưởng trong quý 1/2023, DVN cho biết chi phí tài chính giảm do biến động giá cổ phiếu của một số công ty niêm yết tăng so với thời điểm kết thúc năm tài chính 2022. Nhờ vậy, khoản hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính kỳ này cao hơn cùng kỳ. Ngoài ra, trong quý 1, công ty cũng ghi nhận doanh thu từ cổ tức của các đơn vị có vốn góp.

Trước đó, SCIC đã tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP (Vinapharm) từ Bộ Y tế sang SCIC.

Việc chuyển giao vốn nhà nước tại Vinapharm được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 471/TTg-ĐMDN ngày 27/5/2023 về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC.

Vinapharm có tổng vốn điều lệ 2.370 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước tại là 1.540 tỉ đồng, chiếm 65% vốn điều lệ. Vinapharm kinh doanh các lĩnh vực như: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh; Nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược,…

Sau khi tiếp nhận chuyển giao, với vai trò cổ đông, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn nhà nước.

Với nguồn lực tài chính sẵn có, kinh nghiệm quản trị cùng với nhiều đối tác nước ngoài của SCIC, SCIC sẵn sàng đầu tư mở rộng nguồn vốn để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Với tư cách là cổ đông đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC sẽ tiếp tục triển khai chỉ đạo của Bộ Y tế, phối hợp với các cổ đông khác để nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và một số nước trong khu vực để có thể xuất khẩu sang thị trường quốc tế. SCIC mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ SCIC trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

SCIC sẽ thực hiện các nhiệm vụ của một cổ đông, trước mắt sẽ tổ chức ĐHCĐ theo Quy định của pháp luật, bao gồm các vấn đề sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu, nhân sự, chiến lược. Đồng thời, SCIC tiếp tục xử lý các vấn đề còn tồn tại, đồng hành cùng Vinapharm phối hợp để giải quyết trong thời gian sớm nhất.