16:04 06/03/2023

Giảm năm đóng - kỳ vọng ngăn “làn sóng” rút bảo hiểm xã hội một lần

Nhật Dương

Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần hiện vẫn ở mức cao, ảnh hưởng tới việc mở rộng độ bao phủ số người nhận lương hưu hằng tháng trong tương lai. Vì vậy, đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu còn 15 năm được kỳ vọng góp phần ngăn tình trạng này…

Ảnh - N.Dương.
Ảnh - N.Dương.

Sửa đổi quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu đề đủ điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm là chính sách đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất chính thức tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được lấy ý kiến.

SỐ LAO ĐỘNG HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI MỘT LẦN VẪN Ở MỨC CAO

Lý giải về việc đưa ra đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng điều kiện 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hiện là khá dài, không phù hợp, đặc biệt là những người tham gia thị trường lao động muộn hoặc làm công việc không ổn định.

“Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt, nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già”, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội nhận định.

Mặt khác, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn cao, ảnh hưởng tới việc mở rộng độ bao phủ số người nhận lương hưu hằng tháng trong tương lai. Sau 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (giai đoạn 2016 - 2020), tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 3,7 triệu người. Về cơ bản, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước (mức tăng bình quân 6,5%/năm).

Cũng theo kết quả nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp thực hiện năm 2018, thì các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần thường là những người có số năm đóng bảo hiểm xã hội thấp, dưới 15 năm.

Vì vậy, việc quy định cho phép hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ không khuyến khích những người lao động tích lũy các khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động.

Ngoài ra, dù trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần có thể đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của những người được bảo hiểm, nhưng lấy đi của họ sự bảo trợ khi về già với các chế độ hưu trí hàng tháng, cùng với bảo hiểm y tế và chế độ tử tuất, bao gồm cả mai táng phí và trợ cấp tử tuất hàng tháng hoặc một lần.

Khi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần nghĩa là người lao động rời bỏ hệ thống. Mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội cũng vì thế sẽ bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người thụ hưởng.

Từ đó các nỗ lực mở rộng diện bao phủ và phát triển đối tượng tham gia sẽ bị hạn chế và gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 14,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số đó, chỉ có khoảng trên 3,2 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, chiếm 22,1% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (trên 1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng 5,1 triệu người (chiếm 33%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.

Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Theo đó, Việt Nam không đạt được mục tiêu về tỷ lệ số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội năm 2021 trong Nghị quyết số 28-NQ/TW (có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

HÀI HÒA GIỮA MỨC ĐÓNG VÀ TỶ LỆ HƯỞNG LƯƠNG HƯU

Với những thực tế đề cập ở trên, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu đề đủ điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho nhiều người được hưởng lương hưu hơn, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hướng tới hưởng lương hưu hằng tháng.

Ảnh minh họa - N.Dương. 
Ảnh minh họa - N.Dương. 

Bày tỏ quan điểm về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói, thực tế chính sách về giảm điều kiện đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu đã được khẳng định trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm tạo điều kiện để người lao động được thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách hưu trí, đảm bảo tính an sinh lâu dài.

“Việc rút ngắn xuống 15 năm là thuận lợi rất tốt cho người lao động, giúp mở rộng đối tượng được thụ hưởng lương hưu. Đồng thời, có thể góp phần giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, lí do là nhiều người khi không đủ điều kiện hưởng hưu trí, phải rời khỏi hệ thống bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần, như vậy giảm năm đóng là chính sách rất tốt”, ông Quảng phân tích.

Tuy nhiên, cùng với giảm năm đóng sẽ cần nhiều chính sách khác đi kèm, tựu chung lại là tiến tới một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt. Giảm năm đóng chỉ là điều kiện tối thiểu, còn vẫn cần khuyến khích người lao động có nhiều năm tham gia bảo hiểm xã hội thì mới có mức lương hưu cao. “Dù có mức hưởng thấp thì chế độ hưu trí vẫn đảm bảo hơn là không có chế độ an sinh nào của nhà nước. Tất nhiên chúng ta cần phải cân đối lại tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng 15 năm đóng, làm sao để có một mức sàn nhất định đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho những người về hưu”, ông Quảng nhấn mạnh.

Theo ông Quảng, thực tế trong các chính sách an sinh xã hội, bao giờ cũng phải tính đến nhiều yếu tố một lúc, một giải pháp đồng bộ. Thậm chí, mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cũng là vấn đề được xem xét, sửa đổi trong lần này.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Mặc dù vậy, mức tiền lương làm căn cứ đóng những năm qua tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hằng năm.

Thu nhập để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong khu vực doanh nghiệp ở mức thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già. Vì vậy, ông Quảng cho rằng, tới đây cần xem xét có những quy định để nâng dần mức đóng lên.

“Về nguyên tắc, quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ do người sử dụng lao động, người lao động đóng góp, có sự hỗ trợ của nhà nước để đảm bảo cân đối quỹ. Vì thế, việc sửa đổi các chính sách này phải hài hòa, đảm bảo quyền lợi của người lao động nhưng cũng cần đảm bảo cân dối quỹ trong dài hạn, cũng như hài hòa mức đóng và cách thức đóng, không tuyệt đối một chính sách nào cả”, ông Lê Đình Quảng bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia của tổ chức công đoàn khẳng định, việc giảm năm đóng xuống 15 năm, thậm chí có thể xem xét giảm hơn nữa là điều kiện rất tốt cho người lao động. Tuy nhiên, đề xuất này mới được ban soạn thảo đưa ra lấy ý kiến.

“Mức hưởng bao nhiêu hiện chưa có phương án cụ thể”, ông Quảng nói và cho hay, tới đây Tổng Liên đoàn sẽ có các nghiên cứu, lấy ý kiến người lao động để từ đó có căn cứ góp ý vào đề xuất chính sách về bảo hiểm xã hội một cách phù hợp hơn. Mục tiêu lớn nhất là đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội đa dạng, đa tầng , linh hoạt, hiện đại và hội nhập quốc tế, hơn hết là đảm bảo quyền lợi và các chính sách an sinh cho người lao động.