14:00 06/08/2024

Được miễn phí học nghề, lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp vẫn thờ ơ

Nhật Dương

Số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp lựa chọn học nghề vẫn chiếm tỷ lệ khá thấp, dù được miễn chi phí đào tạo. Ngoài chính sách chưa đủ hấp dẫn, các chuyên gia cho rằng cần bổ sung thêm các chế độ hỗ trợ khác, để thực sự thu hút được người lao động tham gia…

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.
Người lao động tìm kiếm việc làm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 690.256 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 27.457 người đăng ký tham gia hỗ trợ học nghề (chiếm 3,9%).

LAO ĐỘNG ƯU TIÊN TÌM VIỆC TRƯỚC ĐỂ CÓ THU NHẬP

Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết nguyên do là nhiều người lao động muốn nhanh chóng kiếm việc làm để có thu nhập, mà ít quan tâm đến các khóa đào tạo nghề miễn phí. Những người không tham gia học nghề là bởi họ chưa có định hướng nghề nghiệp khi thất nghiệp, hoặc có nhiều cơ cơ hội tìm việc làm mới.

Còn với những người lao động ở khu vực nông thôn thì khó sắp xếp được nhiều ngày đi học trực tiếp ở lớp. Không có kinh phí học nghề, lớp học ở xa, ngành nghề đào tạo chưa phù hợp cũng là nguyên nhân khiến nhiều người lao động (đa số là trụ cột gia đình) không học nghề ngắn hạn.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng còn thấp, nhiều khi không đủ bù đắp chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt của lao động tham gia học nghề…

Để thu hút nhiều lao động đăng ký học nghề hơn, bà Liễu cho biết Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ thông tin về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí.

“Nhằm giúp người học nghề giảm chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt, bên cạnh việc rèn thực hành kỹ năng trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy lý thuyết. Giáo viên soạn thảo các tài liệu học tập dưới dạng PDF, slide để học viên dễ dàng tải về. Giáo viên cũng tạo các video hướng dẫn chi tiết cho từng kỹ năng cụ thể, giúp học viên dễ nắm bắt và thực hành hơn”, bà Liễu thông tin.

Cùng với đó, Trung tâm cũng tăng cường kết nối học viên với các đơn vị tuyển dụng, giúp lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm.

Qua con số thống kê của đơn vị này, bà Liễu cho biết phần lớn lao động thất nghiệp chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Vì vậy, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với trường nghề để công tác này có hiệu quả hơn.

Từ thực tế cơ sở đào tạo, ông Phạm Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội, cho rằng cần xác định được nghề đào tạo có phù hợp với định hướng của người lao động, điều kiện, thời gian.

“Thực tế, có những quy định quá cứng trong việc học nghề, như phải học tập trung tại lớp vào các ngày trong tuần khiến người lao động không thể tham gia. Bởi họ phải đi làm việc tạm thời để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày”, ông Vinh nói.

Do đó, ông cho rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm cần xây dựng chương trình đào tạo nghề ngắn hạn phù hợp với đối tượng. Có thể đào tạo trực tuyến những nghề như kế toán, bán hàng online, công nghệ thông tin..., để người học không phải đến lớp học tập trung trong thời gian từ 3 – 6 tháng.

KIẾN NGHỊ NÂNG MỨC HỖ TRỢ, TĂNG CHẾ ĐỘ

Trước những bất cập liên quan đến chính sách, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thừa nhận thực tiễn cho thấy một số quy định về mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại, chi phí đào tạo theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg còn thấp.

Người lao động học nghề pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Mai Hoa.
Người lao động học nghề pha chế đồ uống tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Mai Hoa.

 “Ngoài những chính sách đào tạo nghề đã có, tới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ sửa đổi Quyết định số 46/2015. Đồng thời, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành các đề án về tăng cường đào tạo nghề nông thôn; nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động. Từ đó, trang bị cho người lao động kỹ năng tìm kiếm việc làm; bồi dưỡng kỹ năng, giúp họ thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi và nhu cầu của thị trường”, ông Độ thông tin.

Năm 2024, Chính phủ đã đưa nội dung sửa đổi Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg vào chương trình công tác, hiện đang xin ý kiến các cơ quan liên quan. Với quan điểm là nâng mức hỗ trợ, trao quyền cho các địa phương quyết định mức hỗ trợ cho các đối tượng, và từng loại hình hỗ trợ. Đồng thời, huy động các tổ chức tham gia đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, hiện dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng dự kiến bổ sung thêm chế độ, để hỗ trợ cho lao động tham gia học nghề.

Góp ý về nội dung này, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu đề xuất hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn trưa cho người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp tham gia học nghề.

Theo bà Liễu, đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp ở nhiều địa phương khác nhau. Song, nhiều người nhận thấy ngành nghề đào tạo tại Hà Nội hấp dẫn, và quyết định đến đây học nghề.

“Qua ghi nhận ý kiến của nhiều người lao động, họ mong mỏi được hỗ trợ thêm để giảm bớt khó khăn. Bởi người thất nghiệp là thiệt thòi rất lớn. Số tiền trợ cấp họ nhận được chỉ bằng 60% mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp", bà Liễu cho hay.