07:38 21/02/2025

Được Quốc hội đồng thuận tăng vốn điều lệ, lãnh đạo VEC quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án

Huỳnh Dũng

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trường đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), lãnh đạo công ty khẳng định sẽ đầu tư mở rộng mạnh mẽ các tuyến cao tốc, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ thực hiện quản lý khai thác 1.500 km đường cao tốc trên cả nước…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV, 438/448 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024-2026 với mức bổ sung là 38.251 tỷ đồng.

Trong đó, 1.562 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp và 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.  

Sau khi tăng vốn điều lệ, VEC nằm trong Top 5/19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có vốn chủ sở hữu cao nhất hiện nay, đồng thời chuyển giao cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.

Chia sẻ về sự kiện quan trọng này, , ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC, nhấn mạnh đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới sau hơn 20 năm xây dựng và vượt qua nhiều khó khăn.

Lãnh đạo VEC cam kết sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, Tổng công ty sẽ tập trung củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ngoài ra, VEC cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với phương châm "một người làm được nhiều việc" và đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia tích cực vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, VEC đặt mục tiêu đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc đang khai thác và hoàn thiện một số tuyến cao tốc Bắc - Nam. Không chỉ vậy, công ty còn hướng tới việc đầu tư mới các tuyến cao tốc theo quy hoạch quốc gia và tham gia đầu tư các tuyến phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội.

Đến năm 2035, VEC đặt mục tiêu quản lý khai thác tổng cộng 1.500 km đường cao tốc trên cả nước. Với nguồn vốn điều lệ bổ sung, VEC có điều kiện huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng để mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, đầu tư các dự án mới và phát triển các dịch vụ dọc tuyến.

Theo ông Phạm Hồng Quang, Tổng Giám đốc VEC cho biết cho biết Tổng công ty đang tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Cụ thể, VEC đặt mục tiêu hoàn thành đoạn phía Tây (Km3+420 - Km21+739,5) và đoạn phía Đông (Km35+900 - Km50+530) thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trước ngày 30/4/2025, đồng thời hướng tới thông xe toàn tuyến vào năm 2026.

Bên cạnh đó, công ty cũng đang đẩy mạnh hoàn thành các hạng mục còn lại của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm nay, cùng với việc sửa chữa hư hỏng mặt đường, nâng cấp hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc hiện có như Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Riêng tuyến Nội Bài - Lào Cai, các nhà thầu đang tập trung nhân lực, vật lực để đồng loạt thi công 11 gói thầu sửa chữa vào cuối tháng 2/2025. Bên cạnh đó, VEC dự kiến khởi công mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong quý IV/2025.

Ngoài ra, công ty còn nghiên cứu đầu tư đồng bộ các khu dịch vụ, trạm dừng nghỉ trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành, đồng thời trang bị hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến do Tổng công ty quản lý.