07:42 24/08/2023

Đường gom cao tốc Hà Nội - Bắc Giang qua Hà Nội vẫn "mỏi mòn" chờ vốn đầu tư

Anh Tú

Hiện vẫn còn 2,34 km đường gom qua địa phận Bắc Ninh và toàn bộ đường gom qua địa phận TP. Hà Nội của tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh (Quốc lộ 1 mới) vẫn chưa được đầu tư xây dựng...

Đường gom đoạn qua địa phận Hà Nội có chi phí đầu tư lớn, chủ yếu là kinh phí giải phóng mặt bằng.
Đường gom đoạn qua địa phận Hà Nội có chi phí đầu tư lớn, chủ yếu là kinh phí giải phóng mặt bằng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Công văn số 9173/BGTVT-CĐCT gửi đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri thành phố đề nghị đẩy nhanh tiến độ làm đường gom đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh (Quốc lộ 1 mới).

Trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2238/TTg-KTN ngày 18/12/2013, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 113/QĐ-BGTVT ngày 10/1/2014.

Theo nội dung được phê duyệt, dự án có phạm vi từ đầu cầu Phù Đổng đến thành phố Bắc Giang, chiều dài khoảng 45,8 km, trong đó, đoạn qua địa phận Hà Nội dài khoảng 7 km, đoạn qua địa phận Bắc Ninh dài khoảng 19,8 km và đoạn qua địa phận Bắc Giang dài khoảng 19 km.

Đối với hệ thống đường gom, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang đầu tư hoàn thiện với tổng chiều dài hai bên khoảng 31 km, đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh chưa đầu tư. Dự án khởi công xây dựng tháng 2/2014, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/2016.

 

"Đến nay hoàn thành 18,74 km/21,08 km; còn lại khoảng 1,61 km đang thi công và khoảng 0,73 km chưa được bàn giao mặt bằng để triển khai thi công", Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Nhằm nâng cao năng lực thông hành, bảo đảm an toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1500/QĐ-BGTVT ngày 24/5/2017 đầu tư hệ thống đường gom kết hợp với cải tạo các tuyến đường hiện có trên địa phận tỉnh Bắc Ninh (từ nút giao Đại Đồng đến cầu Như Nguyệt) với tổng chiều dài hai bên khoảng 43,6 km.

Trong đó, đầu tư mới và cải tạo đường hiện hữu khoảng 21,08 km, tận dụng và cải tạo đường hiện hữu khoảng 22,52 km.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Ninh để hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa hệ thống đường gom trên địa phận tỉnh Bắc Ninh vào khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đối với đoạn đường gom qua địa phận Hà Nội (từ cầu Phù Đổng đến nút giao Đại Đồng) chưa được đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm việc với các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nghiên cứu phương án phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để triển khai đầu tư.

Trước đó, liên quan việc bổ sung đường gom dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 2 và Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang, hạng mục đường gom đoạn qua địa phận Hà Nội có chi phí đầu tư lớn, khoảng 376 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 236 tỷ đồng.

Đây là khu vực tập trung đông dân cư, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp nên việc bổ sung hạng mục này vào dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT không khả thi do tiến độ kéo dài và phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Ngoài ra, thực tế hiện nay đoạn tuyến từ cầu Thanh Trì đến cầu Phù Đổng (điển đầu dự án Hà Nội - Bắc Giang) vẫn đang khai thác hỗn hợp (không có đường gom). Do vậy, trước mắt chỉ ưu tiên đầu tư hệ thống đường gom trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hệ thống đường gom địa phận thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu đầu tư khi nguồn lực cho phép.