Đường nào cho doanh nghiệp hướng đến sự trường tồn?
Trên thương trường, đối thủ không bao giờ chạy chậm lại đợi bạn. Bạn luôn phải ở trong guồng quay không ngừng nghỉ của một cuộc đua: đuổi kịp đối thủ, bỏ xa đối thủ, vươn tới vạch đích...
Thế nhưng, vượt qua được vạch đích rồi thì công ty cần làm gì tiếp theo? Hướng đến sự trường tồn – đó là khát vọng của mọi doanh nghiệp, dù mới ra đời hay có hàng chục, hàng trăm năm lịch sử.
VĂN HOÁ - BỘ GEN CỦA DOANH NGHIỆP
Mỗi doanh nghiệp sẽ chọn cho mình một văn hoá riêng để làm nền tảng cho sự trường tồn. Huawei – một thương hiệu đình đám của Trung Quốc thuộc hàng «đi sau về trước » đang chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong ngành công nghiệp viễn thông thế giới - lựa chọn sức mạnh đến từ ‘văn hóa chiến lang’. Ở đó, họ coi những gã khổng lồ, những người đi trước là những con sư tử, và họ chính là những con sói. Một bầy sói có kỷ luật sẽ chiến thắng những con sư tử.
Trong khi đó, chiến lược “lấy sức khoẻ khách hàng làm trung tâm” đã giúp Johnson & Johnson vượt qua khủng hoảng năm 1982. Thời điểm đó, Tylenol, loại thuốc giảm đau bán chạy nhất nước Mỹ, bất ngờ rơi vào khủng hoảng khi có 7 người tử vong sau khi uống phải thuốc này. Công ty này chấp nhận mất hàng triệu đô la, cương quyết thu hồi toàn bộ sản phẩm. Với nguyên tắc “Người dùng số 1 - sản phẩm số 2”, chỉ trong vòng 5 tháng kể từ sau thảm họa, Johnson & Johnson đã lấy lại 70% thị phần so với thời điểm trước đó.
Văn hoá tận tâm và tôn vinh các giá trị lịch sử cũng giúp cho các khách sạn như Sofitel Metropole Hà Nội hay Park Hyatt Sài Gòn trở thành những doanh nghiệp ngành dịch vụ khách sạn hiếu khách số 1 Việt Nam...
Có thể nói, văn hóa doanh nghiệp là nền tảng để tạo ra sức cạnh tranh tối thượng. Nó như là bộ gen của doanh nghiệp/tổ chức ấy. Nếu công ty có một nền tảng văn hoá, tức là có bộ gen phù hợp, thì sức sống của doanh nghiệp sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp cho công ty trường tồn.
TỪ ĐỘC HÀNH ĐẾN ĐỒNG HÀNH
Không có một «tầm nhìn» (vision) đủ lớn, khi thành công, lãnh đạo dễ ngủ quên trên chiến thắng, còn nhân viên dễ trở thành kiêu binh. Tầm nhìn là điều giúp doanh nghiệp tồn tại và trụ vững được, đặc biệt trong những lúc gian nguy. Hãng Ford với tầm nhìn lớn là phổ cập xe hơi cho mọi người đã tạo ra những chiếc xe «quốc dân» mà ai ai cũng phải có và có thể mua được. Tầm nhìn này đã tạo ra quyết tâm vươn lên trong số 500 hãng xe thời bấy giờ và tạo dựng được vị thế của hãng Ford hiện đại.
Trên tường của các nhà kho Amazon có dòng chữ “Make History” – lời nhắn nhủ với mỗi nhân viên rằng họ làm việc tốt thì cũng là cách ghi tên mình vào lịch sử. Còn nếu doanh nghiệp tồn tại chỉ vì tiền, vì lợi nhuận thì bao nhiêu câu khẩu hiệu đẹp đẽ trên tường cũng chỉ là vô nghĩa. Người ta đã thấy điều này qua các vụ bê bối trong ngành tài chính như ngân hàng Wells Fargo, tập đoàn Enron hay ông vua đa cấp lừa đảo Bernie Madoff.
Tầm nhìn giúp chính những con người trong một tổ chức dám vượt qua mâu thuẫn cá nhân, để không Độc hành mà chuyển sang Đồng hành.
Doanh nghiệp hiện đại hoạt động như một chiếc phi thuyền trong không gian. Tầm nhìn chính là tọa độ cần đến, động lực của người lao động là nhiên liệu, công cụ làm việc chính là chiếc phi thuyền. Chỉ khi cả ba yếu tố ấy hoạt động đồng bộ thì doanh nghiệp mới tới đích an toàn.
Không có Động lực đủ lớn thì mọi KPI, OKR sẽ chỉ là Áp lực. Nếu có động lực đúng đắn, «đồng tiền» sẽ biến thành «đồng tiến». Đó cũng là quan điểm mà Công ty Chứng khoán SSI công bố trong đêm Gala 2023 tổng kết 23 năm phát triển của mình.
Trong màn đối thoại thẳng thắn và độc đáo trước 1.600 nhân viên, giữa một chủ tịch thật của SSI và một chủ tịch AI – phiên bản trí tuệ nhân tạo của chính mình - ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: "Trong lịch sử, đây không phải là lần đầu tiên SSI trượt xuống vị thế thứ 2 về thị phần. Thị phần là một trong những yếu tố rất quan trọng của công ty chứng khoán. Thế nhưng, việc lấy lại vị thế số 1 không quan trọng bằng câu chuyện tăng trưởng và phát triển, vì SSI có những tiêu chí cạnh tranh khác thị phần. Đó là hiệu quả, tổng tài sản, uy tín và thương hiệu doanh nghiệp. Và đó là những thứ mà SSI đang làm tốt".
Chính vì thế, với mỗi con người trong một tổ chức, văn hoá phụng sự rất quan trọng. Họ có thể lựa chọn phụng sự cho xã hội, phụng sự cho doanh nghiệp, hay phụng sự cho bản thân, gia đình.
Sự bền vững trong công ty sẽ đạt được khi cả thế hệ cũ và thế hệ mới tiến bước cùng nhau, cùng nhịp dưới một lá cờ chung – một lý tưởng cao hơn lợi nhuận thuần túy. Vì lẽ đó, “Đồng tiến trường tồn” có thể trở thành một model phát triển bền vững phù hợp với các yêu cầu của thế giới đương đại.