20:49 21/05/2010

Đường sắt cao tốc: “Quá lãng mạn!”

Nguyễn Lê

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải có cái nhìn hết sức thực tế, chứ không nên “quá lãng mạn” về đường sắt cao tốc

Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam- Ảnh: Mạnh Cường.
Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam- Ảnh: Mạnh Cường.
“Quá lãng mạn” là nhận xét của không ít vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM, chiều 21/5.

Chuyên đề: Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam


Cũng như đa số ý kiến chưa đồng tình thực hiện dự án tại thời điểm này tại tổ thảo luận số 3 (gồm các tỉnh Bắc Ninh, Cần Thơ, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Nam) đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng cần phải có cái nhìn hết sức thực tế, chứ không nên “quá lãng mạn”.

Vị đại biểu này rất băn khoăn trước con số dự tính một ngày vận chuyển 48.000 hành khách hay giảm 2.000 người chết do tai nạn giao thông một năm, tại báo cáo đầu tư dự án.

Hiện nay còn rất nhiều việc ích nước lợi dân nhưng khả năng tài chính của đất nước có hạn. “Tôi đi tiếp xúc cử tri ở Quảng Nam nhiều xã chưa có cả đường ôtô đến trung tâm. Cũng là giao thông nhưng hãy đầu tư vào giao thông nông thôn đi”,  ông Minh đề nghị.

Chưa nên đầu tư trong thời điểm hiện nay cũng là quan điểm của đại biểu Hà Thanh Toàn. Theo đại biểu Toàn thì việc đầu tư cho đường sắt cao tốc chưa cần thiết bằng sự đầu tư cho đường biển, đường bộ…

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu: "Trước khi dự án này trình Quốc hội, dư luận đã nói đến rồi. Tương lai của dự án có thể nói là  rất lãng mạn. Sáng ở Đà Nẵng hoặc Vinh, đi tàu ra làm việc ở Hà Nội, rồi tối lại về  với vợ con, như thế là ta cũng không khác gì các nước tiên tiến.

Nhưng nghiên cứu kỹ xong rồi thì tôi xin nói, dự án này "rằng hay thì thật là hay, nghe rồi mới biết rất gay về tiền". Theo dự kiến, dự án tiêu hết 56 tỷ USD, thì không biết lấy ở đâu ra. Hiện nay mỗi năm chúng ta bội chi ngân sách từ 5-7%, nghĩa là làm không đủ ăn.

Chúng ta đang chuẩn bị làm nhà máy điện hạt nhân 36 tỷ USD. Nay lại thêm dự án 56 tỷ này nữa. Thế thì vay ở đâu ra, trả bằng cách gì. Việc này không khác gì một gia đình không đủ tiền nuôi con ăn học, thấy hàng xóm có ôtô cũng vay tiền mua ôtô".

Cùng nỗi lo về "lãng mạn", đại biểu Nguyễn Bá Thanh nói: “Tôi chỉ mong đường sắt cao tốc đạt vận tốc 200 km/h là hạnh phúc rồi, bởi lúc mưa gió, qua đèo qua suối phải chạy chậm lại. Đừng lãng mạn ý tưởng vận tốc 300 km/h hay làm tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới… Cách làm thế nào phải tính toán cho rõ, nếu không, bấm nút thông qua dự án, sau này con cháu chúng ta sẽ khổ”.

Rất nhiều ý kiến tại nhiều tổ thảo luận đều cho rằng còn thiếu rất nhiều thông tin để Quốc hội cảm thấy “chắc tay” khi quyết định, dù chỉ là quyết định chủ trương đầu tư.

Đồng tình và chia sẻ những lo ngại đó, đại biểu Trần Văn “đặc biệt muốn lưu ý” đến những vấn đề như tài chính của dự án với mức vốn huy động rất cao; thu nhập và sức mua của người dân; năng lực quản lý dự án; sự lệ thuộc vào công nghệ và mối liên hệ, kết nối với các loại hình vận tải khác trên toàn tuyến.

“Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc quốc hội quyết định chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM” đại biểu Văn nói.

Để Quốc hội luôn có đủ thông tin và giám sát chặt chẽ toàn bộ dự án này, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, đại biểu Văn đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ lập các dự án thành phần Tp.HCM - Nha Trang, Hà Nội - Vinh, các đoạn còn lại, để báo cáo Quốc hội theo tiến độ. Vì theo tổng mức đầu tư, các dự án thành phần đó bản thân cũng là các dự án trọng điểm quốc gia trong thẩm quyền của Quốc hội.
    
Đều tán thành về chủ trương đầu tư song 12 ý kiến phát biểu tại đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đều đưa ra những băn khoăn, lo ngại khác nhau.

Đại biểu Phạm Thị Loan kể câu chuyện làm đường sắt cao tốc ở Đài Loan. Ban đầu dự án này cũng định sử dụng vốn ODA Nhật Bản và cũng đã thiết kế hoàn hảo với chi phí 27 tỷ USD cho 345 km. Sau e là Quốc hội không thông qua nên đã chuyển sang đấu thầu theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) và tổng đầu tư chỉ có 16 tỷ USD, tức bình quân 21,56 triệu USD cho 1 km.

Còn nếu tính toán như dự án của Việt Nam từ nguồn vốn ODA với 35,6 triệu USD cho 1 km là quá cao, đại biểu Loan so sánh. Vay ODA là gánh nặng vô cùng lớn nên không biết bao giờ mới trả được nợ, nên theo phương án PPP, vị đại biểu này đề nghị.

Đại biểu Đặng Văn Khanh cũng cho rằng dự án này sẽ là "gánh nặng quá sức chịu đựng" vì 45 năm mới thu hồi vốn. Ban Dân nguyện của Quốc hội nên vào cuộc xem dư luận xã hội thế nào, ông Khanh nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, có thể đồng ý về chủ trương, còn giao cho Chính phủ trình cụ thể vào kỳ họp tới. “Cứ ngồi mà ngán là đầu tư lớn quá, cứ lo gánh nặng quốc gia thì chả bao giờ làm được cái gì hết”, ông Đào phát biểu.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có thẩm tra sâu hơn của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đặc biệt là của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Đặc biệt, cần trưng cầu ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận vì đây là dự án rất lớn, có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống.

Một số ý kiến đề nghị nên gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu trước khi biểu quyết chủ trương đầu tư “siêu dự án” này vì dù có “lãng mạn cách mạng” thì cũng cần có đủ cơ sở trước khi quyết định.