Ecobrick – một giải pháp sinh thái đáng tham khảo
Ecobrick khởi đầu và phát triển mạnh mẽ ở Phillipines rồi sau đó được triển khai ở một số quốc gia khác trên thế giới như Nam Phi, Zambia, Mỹ, Indonesia. Gần đây, khái niệm Ecobrick đã xuất hiện và dần phổ biến ở Việt Nam, được rất nhiều người hưởng ứng.
Ai cũng biết rằng những túi ni lông tồn đọng sẽ mất hàng nghìn năm để phân hủy và vì thế, chúng ta đang dần dần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, ni lông thành túi vải hay chai thủy tinh. Nhưng còn những túi ni lông, đồ nhựa hiện đang tồn tại xung quanh chúng ta thì sao? Làm thế nào để xử lý chúng? Một dự án có tên Ecobrick đã ra đời để giải quyết thực trạng ấy. Ecobrick có thể gọi là viên gạch sinh thái. Viên gạch sinh thái này làm hoàn toàn từ nhựa, tái chế đồ nhựa, ni lông thành một công cụ hữu ích dùng trong xây dựng.
Cách thức làm Ecobrick rất đơn giản. Trước hết, cần chuẩn bị những nguyên vật liệu là nhựa mềm và chai nhựa. Những vật liệu nhựa đó có thể là túi nilon, ống hút, vỏ bánh kẹo, vỏ bọc bao bì. Trước khi cho vào chai nhựa cũng cần làm sạch và làm khô những vật liệu ấy. Để cho những rác thải nhựa này vào trong chai, hãy sử dụng một chiếc que, gậy hay dùng đũa có chiều dài dài hơn chiều cao của chai nhựa để lèn chặt những túi nhựa, ni lông đó xuống. Hãy đảm bảo cho phần đáy được chắc chắn và chai nhựa sau khi được lấp đầy đồ nhựa cũng không được có lỗ thủng và phải sạch; đóng chặt nắp và để tránh xa gián, chuột. Mặc dù để làm ra một viên gạch sinh thái như vậy, ngoài chai nhựa, vẫn có thể sử dụng hộp nhựa hay các đồ đựng bằng nhựa khác, hiệu quả nhất vẫn là dùng chai nhựa dung tích 350ml, 500ml hay 1.5L bởi việc sử dụng que, gậy để lèn chặt rác thải nhựa vào trong chai sẽ dễ dàng hơn.
Những điều cần đặc biệt lưu ý khi làm Ecobrick đó là, loại bỏ hoàn toàn các chất hữu cơ như thực phẩm còn sót lại thể phân hủy bên trong; không cho kim loại, thủy tinh – những thứ vốn có thể tái chế. Nói cách khác, hãy chỉ cho đồ nhựa – vật liệu không thể phân hủy được vào chai. Ngoài ra, chọn loại túi nhựa, đồ nhựa dễ vò nhất cho vào đáy chai sẽ giúp làm đầy chai, không để lại kẽ hở.
Một viên gạch đạt chuẩn là khi bóp mạnh, ở mọi vị trí của chai, chai không bị biến dạng quá 10%. Một cách khác để kiểm tra chai của mình đã đủ để trở thành gạch chưa, đó là hãy thử cân viên gạch nhựa lên. Cân nặng nhẹ nhất của 1 viên gạch nên là khối lượng của chai khi đầy chất lỏng nhân với 0,35. Ví dụ, một chai thể tích 500ml, sẽ nặng tối thiểu khoảng 200g sau khi thành gạch.
Khi tái chế đồ nhựa để làm những viên gạch sinh thái này, chúng ta có thể tránh được việc những túi ni lông bị vứt bừa bãi, lẫn vào đất hay nước gây hủy hoại môi trường. Việc tạo ra Ecobrick cũng không phải để khuyến khích việc sử dụng đồ nhựa mà nó là một giải pháp tạm thời để xử lý những đồ nhựa vốn không thể phân hủy. Những viên gạch này sau khi hoàn thành sẽ được thu thập và dùng để xây dựng nhà cửa, công trình, đồ nội thất,… Trên thế giới đã có một vài dự án đã áp dụng mô hình Ecobrick thành công như Ngôi làng Besao ở Phillipines, làng Chai Nhựa tại Panama hay ngôi nhà của gia đình Thelfredo Santa Cruz tại Agentina.
Tại Việt Nam, hiện nay chỉ có một điểm thu gom gạch sinh thái tại Hà Nội và thông tin của tổ chức được cập nhật trên trang Facebook Les Pas Verts. Trong thời gian tới, tổ chức sẽ thực hiện một sân chơi trẻ em ứng dụng Ecobricks. Hãy liên hệ để đóng góp những viên gạch sinh thái giúp bảo vệ môi trường nhé.