Elon Musk và những lần “đụng độ” cơ quan chức năng
Điều tiết hành vi của Elon Musk - người giàu nhất thế giới, với khối tài sản ròng 200 tỷ USD - là một việc không hề đơn giản đối với cơ quan chức năng Mỹ...
Gần đây, Musk một lần nữa chứng tỏ rằng ông thích làm mọi việc theo cách riêng của mình. Vào hôm 20/5, ông bất ngờ tuyên bố tạm dừng thương vụ mua đứt công ty mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD. Tuy nhiên, tuyên bố này của ông được đưa ra trong một dòng trạng thái (tweet) thay vì một báo cáo chính thức gửi lên Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC).
Vào năm 2013, SEC đưa ra quy định rằng các công ty đại chúng có thể sử dụng Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác để công bố thông tin. Bởi vậy, việc Musk đăng tweet để thông báo tạm dừng mua Twitter có thể là một cách hợp pháp để ông truyền tải thông tin trong việc này.
Nhưng nhiều lần khác, Musk đã vi phạm quy định rành rành và sau đó hầu như không phải chịu hậu quả gì và cũng không hề thay đổi hành vi. Những biện pháp xử phạt tài chính mà các cơ quan chức năng hay đối tác kinh doanh đưa ra hầu như không có ý nghĩa gì đối với một người giàu như Musk. Ông vẫn bước đi, vẫn đăng những dòng tweet cho thấy một điều rằng các quy tắc thông thường chẳng có ý nghĩa gì đối với những người siêu giàu như ông nếu họ chọn cách phớt lờ những quy tắc đó.
Một ví dụ điển hình: Musk mới đây tuyên bố đã mua cổ phần gần 10% của Twitter. Vụ thâu tóm này diễn ra mà Musk không hề có động thái công bố thông tin đúng thời hạn nào theo quy định.
Luật của Mỹ quy định một nhà đầu tư mua cổ phần từ 5% của một công ty có thời gian 10 ngày để công bố thông tin về việc mua, để các nhà đầu tư khác có thể hiểu được điều gì đang ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Musk đã đợi 21 ngày mới công bố thông tin, và đến lúc đó ông đã mua được cổ phần 9,6%. Sau khi công bố, thông tin về việc mua cổ phần này đã đẩy giá cổ phiếu Twitter tăng vọt, thậm chí trước khi Musk tuyên bố sẽ mua đứt Twitter và chuyển đổi công ty này trở lại thành một doanh nghiệp tư nhân.
Nếu Musk công bố thông tin đúng thời hạn, ông sẽ phải mất thêm nhiều tiền để mua số 15 triệu cổ phiếu mà ông đã mua sau thời hạn 10 ngày. Theo ước tính của giáo sư kế toán Daniel Taylor thuộc Đại học Pennsylvania, việc trì hoãn công bố thông tin giúp Musk tiết kiệm được 143 triệu USD bằng cách giữ giá cổ phiếu ở mức thấp hơn mức giá có thể đạt được trong lúc ông tiếp tục gom cổ phiếu.
Tờ Wall Street Journal nói rằng SEC đang điều tra việc Musk công bố muộn thông tin về việc ông mua cổ phần Twitter.
“Tôi nghĩ có thể do ông ấy lười, hoặc do ông ấy tin rằng các quy định không có tác dụng với ông ấy”, ông Taylor nhận xét. “Nhưng nếu nhìn lại những lần SEC xử lý hành vi báo cáo muộn, việc này là tương đối hiếm. Nhìn trên phương diện chi phí-lợi ích, thì công bố muộn là có lợi. Ngay cả nếu việc công bố muộn dẫn tới khoản phạt 100.000 USD hay cả triệu USD, thì ông ấy cũng vẫn có lý do để làm như thế”.
Cuộc đối đầu lớn giữa Musk và SEC xảy ra vào năm 2018, khi ông đăng tweet nói đã “đảm bảo được nguồn vốn” để đưa Tesla thành một công ty tư nhân. Giá cổ phiếu Tesla sau đó đã tăng chóng mặt, đưa khối tài sản ròng cá nhân và cả sự ngang tàng của Musk tăng theo.
Musk cuối cùng chấp nhận nộp phạt 20 triệu USD trong vụ đó và rời ghế Chủ tịch Tesla nhưng vẫn được giữ chức CEO - vị trí mà SEC cũng đã cảnh báo sẽ tước nốt của ông. Khi đó, SEC cũng đưa ra yêu cầu là những dòng tweet với nội dung là thông tin thực chất về Tesla mà Musk đăng phải có sự phê chuẩn của ban lãnh đạo công ty. Nhưng không ai dám chắc ông đã tuân thủ quy định này trong 4 năm qua.
Đến hiện tại, Musk vẫn “sôi sục” vì thoả thuận mà ông đã ký với SEC, nói rằng ông chỉ làm vậy vì nếu không, các ngân hàng sẽ ngừng cung cấp vốn cho Tesla và đẩy công ty này vào cảnh phá sản. Nhưng giáo sư Taylor cho rằng cách xử lý của SEC đối với Musk trong vụ đó chỉ là “giơ cao đánh khẽ”.
“SEC đã có cơ hội để gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ, nhưng họ đã chọn không làm vậy”, ông Taylor phát biểu.
Công bố thông tin về sở hữu cổ phần là quy định mới nhất trong một loạt quy định mà Musk đã “lách” hoặc vi phạm mà hầu như không phải hứng chịu hậu quả gì.
Các hãng sản xuất ô tô truyền thống tiến hành triệu hồi xe mỗi khi phát hiện ra lỗi trong thiết kế hoặc chế tạo của một mẫu xe. Đó là lý do vì sao Cơ quan An toàn đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHSA), nhà chức trách liên bang trong vấn đề này, đặt tên cho văn phòng tiếp nhận và xem xét phản ánh của người tiêu dùng cũng như các dữ liệu về tai nạn đường cao tốc là Văn phòng Điều tra lỗi xe.
Tuy nhiên, Tesla lại bị nhà chức trách yêu cầu tiến hành các đợt triệu hồi xe để buộc công ty này phải sản xuất ra những chiếc xe chính xác như kế hoạch ban đầu. Musk tuân thủ việc triệu hồi, nhưng lại chỉ trích cơ quan chức năng là bắt ông phải làm cho những chiếc xe Tesla trở nên kém “thú vị”. Và Tesla cũng chẳng phải chịu một hình phạt nào về sai phạm sản xuất xe không đúng thiết kế này.
Những tính năng “có vấn đề” của xe Tesla dẫn tới triệu hồi bao gồm cho phép người ngồi ghế trước bao gồm cả tài xế chơi trò chơi video trên màn hình cảm ứng phía trước trong khi xe đang di chuyển, và cho phép xe di chuyển qua biển báo dừng xe trong khi xe đang ở chế độ tự lái.
Musk cũng xung đột với Cơ quan Quản lý hàng không liên bang (FAA) về các vụ thử tên lửa SpaceX không được cấp phép. Chẳng hạn, vào năm 2020, Musk tiến hành một vụ bay thử ngắn của Starship – tàu tên lửa được chế tạo để bay lên Sao Hoả - mà chưa hề cung cấp cho FAA tài liệu hay đánh giá đầy đủ về rủi ro đối với “sức khoẻ và an toàn của công chúng”, cơ quan này cho hay.
Từ trước khi vụ thử tiến hành, FAA đã từ chối gia hạn một giấy phép an toàn mà SpaceX xin gia hạn. Nhưng công ty vẫn tiến hành vụ thử. Sau đó, FAA mở một cuộc điều tra, nhưng cuối cùng SpaceX cũng không bị xử phạt gì ngoài yêu cầu phải có “hành động sửa sai”.
Và trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, Musk “đùng đùng” mở cửa trở lại nhà máy Tesla ở California vốn đang phải tạm ngừng hoạt động vì lệnh phong toả của chính quyền địa phương. Ông gọi lệnh phong toả này là “phát xít”. Nhà chức trách rốt cục phải chấp nhận cho nhà máy này mở cửa trở lại.