07:14 29/05/2024

EU thúc đẩy các khoản đầu tư xanh tại Việt Nam

Vũ Khuê

Nhóm EU cùng với sự tham gia của các nước thành viên Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch và các định chế tài chính châu Âu hợp tác với nhau để hỗ trợ 15,5 tỷ Euro giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dần loại bỏ các nguồn năng lượng hoá thạch, hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo...

EU sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa.
EU sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm đánh giá tính hiệu quả, tác động của các chương trình, dự án hợp tác phát triển do EU hỗ trợ Việt Nam trong 3 năm qua, ngày 28/5/2024, bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu đã có cuộc gặp gỡ với báo chí.

Tại đây, bà Myriam Ferran một lần nữa nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của EU trong khu vực Asean. Tại Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Asean tháng 12/2023, EU đã cam kết khoản vốn 10 tỷ Euro ở cấp độ Asean để triển khai Thoả thuận xanh châu Âu và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.

 
Bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu
Bà Myriam Ferran, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối tác Quốc tế của Ủy ban châu Âu

"Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, nên nhu cầu phát triển năng lượng tăng nhanh tương ứng, do đó phát thải trên đầu người cũng tăng nhanh.

Vấn đề đặt ra cho cả EU và Việt Nam là thúc đẩy tăng trưởng nhưng phải bền vững và mang lại lợi ích cho người dân trên toàn cầu".

EU đã và đang đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của mình tại Việt Nam. Chiến lược cửa ngõ toàn cầu nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư xanh, sạch để xử lý các thách thức toàn cầu, như chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, giao thông bền vững, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, y tế… Tất cả sự chuyển đổi này đảm bảo công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả người dân.

Đại diện Ủy ban châu Âu cho biết bà sẽ có cuộc gặp với các quan chức Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo một số bộ ngành của Việt Nam và các doanh nghiệp châu Âu để thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực năng lượng.

Hợp tác năng lượng đang được hai bên thúc đẩy trong khuôn khổ Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây là cơ chế hợp tác giữa Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) với các đối tác, trong đó 5 thành viên EU với Việt Nam. 

JETP nhằm hỗ trợ các vấn đề cần thiết cho Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dần loại bỏ các nguồn năng lượng hoá thạch, hướng tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

“Chúng tôi nhấn mạnh tới sự đóng góp về viện trợ không hoàn lại đang là số 1 để Việt Nam thực hiện cơ chế JETP”, bà Myriam Ferran khẳng định.

Nhóm EU với sự tham gia của các nước thành viên Pháp, Đức, Ý, Đan Mạch và các định chế tài chính châu Âu như Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) hợp tác với nhau để hỗ trợ Việt Nam thông qua chương trình JETP, với số vốn lớn tương đương 15,5 tỷ Euro.

Trong sáng kiến Chiến lược cửa ngõ toàn cầu tại Việt Nam, bà Myriam Ferran cho biết ngày 29/5 bà sẽ tới thăm Nhà máy thuỷ điện tích năng Bắc Ái tại Ninh Thuận.

Nhà máy có công suất 1,2 GW là đóng góp của EU cùng các nước thành viên, các định chế tài chính… Dự án được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam ổn định điện lưới, góp phần vào mục tiêu hiện thực hoá cam kết của Việt Nam tại COP26.

Ngoài ra, EU còn triển khai dự án TVET (Dự án giáo dục, đào tạo nghề nghiệp và kỹ thuật) với nguồn vốn tài trợ lên tới 54 triệu Euro, triển khai tại 30 địa phương ở Việt Nam nhằm trang bị kỹ năng xanh, số cho thế hệ tương lai tại Việt Nam.

Hay các dự án của Quỹ WARM đang được triển khai bởi AFD liên quan tới ứng phó với biến đổi khí hậu như lĩnh vực tưới tiêu, bảo vệ dòng sông trước các tác động của thiên tai...

Giao thông bền vững, giao thông sạch cũng là một trong những ưu tiên trong Chiến lược cửa ngõ toàn cầu của EU. Điển hình, trong tuần này dự án mở rộng Tuyến đường sắt đô thị số 3 giai đoạn 2 tại Hà Nội sẽ được thực hiện do EU hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu khả thi. AFD là cơ quan triển khai.

Song để đẩy nhanh tiến trình giải ngân các dự án, theo bà Myriam Ferran, điều quan trọng là các bước về thủ tục hành chính, kỹ thuật cần được đáp ứng. Một trong những nội dung quan trọng là ký kết hiệp định tài chính được coi là văn bản pháp lý thể hiện cam kết viện trợ và giải ngân của EU đối với những dự án được xác định.

Hiện nay đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội đang triển khai thảo luận với các cơ quan bộ ngành của Việt Nam để tiến tới ký kết các hiệp định tài chính cho các dự án.

"4 hiệp định tài chính đang cần được ký kết triển khai, trong đó 2 hiệp định phải ký trước cuối năm 2024 và 2 hiệp định cần ký trước cuối năm 2025. "Vì vậy, việc ký kết cần được đẩy nhanh, nếu không đáp ứng mốc thời gian này, chúng ta sẽ mất nguồn vốn tài trợ này", bà Myriam Ferran nói.