16:11 04/03/2022

F0 gia tăng, doanh nghiệp tìm mọi cách xoay xở vì thiếu lao động

Phúc Minh

Lao động là F0 liên tục tăng, khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp thiếu hụt lao động tạm thời, phải tìm mọi cách xoay xở để đảm bảo hoạt động…

Công nhân một khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh - Phạm Hùng.
Công nhân một khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Ảnh - Phạm Hùng.

Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày trên cả nước tiếp tục tăng mạnh, vượt 100.000 ca/ngày, riêng tại Hà Nội, số ca mắc gần chạm mốc 20.000 chỉ trong ngày 3/3.

SỐT RUỘT VÌ NHÂN VIÊN PHẢI CÁCH LY

Ca nhiễm tăng cao, đồng nghĩa với việc kéo theo số lượng lớn trong đó là người lao động phải nghỉ cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quyết định của chính quyền địa phương. Điều này khiến hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng và xáo trộn, phải tìm cách xoay xở để bù đắp sự thiếu hụt lao động tạm thời.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), nhân viên kế toán một công ty chuyên về thiết bị y tế tại Hà Nội chia sẻ, từ sau Tết công ty của chị đã xuất hiện một vài nhân viên bị nhiễm Covid-19 và phải xin nghỉ, nhưng hai tuần gần đây mỗi ngày bộ phận nhân sự đều thông báo có cán bộ bị nhiễm bệnh và phải cách ly tại nhà. Chị Thủy cho biết, đến nay 2/3 nhân viên của công ty đã dương tính, có thời điểm đơn vị chỉ còn 1/3 số lao động đến làm việc trực tiếp.

Tuần trước, khi chưa nhiễm bệnh, bản thân chị Thủy dù là kế toán, công việc của những ngày cuối tháng rất nhiều, nhưng phải kiêm luôn việc hành chính văn phòng vì nhân viên của bộ phận này là F0 phải cách ly. Nhưng đến tuần này, chính chị Thủy cũng trở thành F0 và buộc phải nghỉ ở nhà.

“Công việc liên quan đến nhiều loại giấy tờ không thể giao cho các bộ phận khác, cũng không thể mang về nhà làm được nên khi mình phải nghỉ sẽ bị dồn lại rất nhiều”, chị Thủy nói và cho hay, mới điều trị được 3 ngày đã được sếp nhắc khéo xem test nhanh đã “1 vạch” chưa và nếu triệu chứng nhẹ thì có thể đến công ty làm việc trực tiếp có khu vực giãn cách riêng, dù chưa hết thời gian cách ly.

Trong khi đó, chị Trần Thị Dung (Ba Đình, Hà Nội) nhân viên một cơ quan công sở tại quận Tây Hồ cũng cho biết, hai tuần gần đây, dịch tại Hà Nội tăng nhanh khiến số người tại đơn vị của chị bị nhiễm bệnh ngày một nhiều, trong khi nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân hằng ngày đều rất lớn. Để đáp ứng yêu cầu công việc, đơn vị của chị yêu cầu những F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ vẫn làm việc online.

THIẾU HỤT LAO ĐỘNG TẠM THỜI

Số ca nhiễm tăng cao, không chỉ khiến những người còn lại trong đơn vị phải đảm nhận thêm phần việc của người đã nghỉ, áp lực công việc tăng lên mà chính bản thân các cơ quan, doanh nghiệp có người lao động mắc Covid-19 cũng phải chật vật xoay xở để tìm cách bảo đảm bảo hoạt động khi cùng lúc thiếu hụt nhân sự tạm thời.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam tại Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội cho biết, theo ghi nhận của đơn vị đến sáng 4/3 đã có hơn 1.000 lao động là F0 trong tổng số 5.300 công nhân, chiếm khoảng 1/5 nhân lực của đơn vị.

Theo ông Hải, số lao động là F0 tăng nhanh đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nên đơn vị đang tính toán để tuyển thêm nhân sự. Để đảm bảo hoạt động, các lao động là F1 nếu không có quyết định cách ly của địa phương mà vẫn đi làm thì trước khi vào nhà máy phải test nhanh. “Công ty đang tìm mọi cách đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 cho công nhân như phát que test cho tổ Covid-19 của công ty để sàng lọc. Trong ca làm việc đảm bảo giãn cách trên 2m, hạn chế giao tiếp. Doanh nghiệp cũng phải dừng các cuộc họp trực tiếp, chỉ họp online”, ông Hải nói.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cũng thông tin, qua nắm bắt có những doanh nghiệp thuộc hiệp hội ghi nhận số lao động mắc Covid-19 rất lớn. Thậm chí, một vài doanh nghiệp có đến 30 - 40% lao động đã trở thành F0, tạm thời phải nghỉ việc, điều trị theo quy định. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp có sự thiếu hụt lao động tạm thời, ước tính có đơn vị thiếu 10 - 20% lao động.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo về sản lượng và tiến độ đơn hàng. Do đó, trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tính tạm thời này, nhiều doanh nghiệp đã phải xây dựng phương án, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp.

Liên quan đến việc hỗ trợ chế độ cho lao động là F0 phải nghỉ việc, ông Mạc Quốc Anh cho biết, tùy vào tình hình tài chính, có doanh nghiệp vẫn hỗ trợ trả lương cho lao động nếu làm việc online, nhưng chủ yếu là khối văn phòng. Với doanh nghiệp sản xuất đông lao động thì chuyển sang cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.