06:48 06/08/2022

FLC tiếp tục bị phong tỏa tài khoản để cưỡng chế gần 72 tỷ tiền thuế

Hà Anh

FLC cho biết đã nhận được 9 quyết định của Cục Thuế Hà Nội với số tiền là gần 72 tỷ đồng - trong đó có 11,5 triệu đồng về việc công ty chậm nộp tờ khai thuế TNCN

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC-HOSE) thông báo về việc nhận được quyết định của cơ quan thuế.

Theo đó, FLC cho biết đã nhận được 9 quyết định của Cục Thuế Hà Nội với số tiền là gần 72 tỷ đồng - trong đó có 11,5 triệu đồng về việc công ty chậm nộp tờ khai thuế TNCN và 71,88 tỷ đồng cho 8 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/ yêu cầu phong toả tài khoản của công ty mở tại các ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân Đội; NGân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - chi nhánh VIB quận 1 và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Lý do cưỡng chế là FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Vừa qua, FLC cũng đã nhận được 3 quyết định của Cục Thuế tỉnh Quảng Bình về việc cưỡng chế thi hành quyết định về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong toả của CTCP Tập đoàn FLC mở tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Hà Nội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - chi nhánh Quận 1 và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Thanh Xuân.

Với số tiền bị cưỡng chế là hơn 223,6 tỷ đồng do công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế.

Như vậy, trong hai ngày 3 và 5/8, FLC đã nhận được thông báo phong tỏa tài khoản để cưỡng chế với số tiền gần 300 tỷ tiền thuế.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất trong quý 2/2022 đạt hơn 623 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái (1.678 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế lỗ 640 tỷ đồng (cũng kỳ lãi 20,9 tỷ đồng).

FLC lỗ nặng trong quý II là do phát sinh khoản lỗ đột biến hơn 317 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh, còn một phần mười so với cùng kỳ năm ngoái với 65,6 tỷ đồng.

Theo lý giải của FLC, doanh thu bán hàng và tài chính giảm mạnh do công ty đang trong quá trình cơ cấu lại kinh doanh và thay đổi lãnh đạo chủ chốt. Đặc biệt, mảng hàng không thời gian qua không thuận lợi khiến công ty lỗ 311,6 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, FLC ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.709 tỷ đồng, giảm 60% cùng kỳ (4.238,6 tỷ đồng); 6 tháng đầu năm FLC báo lỗ sau thuế 1.105 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 63,49 tỷ đồng).

Tính đến ngày 30/6, FLC có tổng tài sản gần 36.299 tỷ đồng, tăng 2.512 tỷ so với hồi đầu năm và nợ phải trả tăng hơn 3.500 tỷ so với đầu năm, lên 27.569 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 977 tỷ, giảm gần 730 tỷ so với hồi đầu năm.

Trước đó, HOSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo kể từ ngày 11/7/2022 do công ty này chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2021, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.