17:18 08/10/2015

“Gà Việt kiện gà Mỹ” và sự khắc nghiệt của TPP

Minh Tuấn

Gà giá rẻ nhập từ Mỹ đang khiến các nhà sản xuất Việt Nam “bừng tỉnh”

Các công ty và hộ nuôi gà Việt Nam đang có kế hoạch kiện các công ty gà Mỹ “bán phá giá”.
Các công ty và hộ nuôi gà Việt Nam đang có kế hoạch kiện các công ty gà Mỹ “bán phá giá”.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với xuất khẩu của một số mặt hàng như da giày, hải sản và quần áo dự kiến sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên theo một bài viết mới đây của hãng tin Bloomberg, những gì đang diễn ra trong ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam cho thấy một trong số những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cảnh cạnh tranh tăng cao sau khi gia nhập TPP.

Cạnh tranh khốc liệt

Trong một vụ việc được đánh giá là chưa từng có tiền lệ, các công ty và hộ nuôi gà tại Việt Nam đang có kế hoạch kiện các công ty Mỹ “bán phá giá gà”.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang hoàn thành các thủ tục để sau khoảng một tháng nữa, có thể chính thức đưa vụ kiện doanh nghiệp Mỹ “bán phá giá gà” tại thị trường Việt Nam ra tòa.

Gà giá rẻ nhập từ Mỹ đang khiến các nhà sản xuất Việt Nam “bừng tỉnh” về môi trường cạnh tranh khốc liệt của thương mại toàn cầu.

“Việt Nam buộc phải chấp nhận rằng dù một số sản phẩm như hàng may mặc hay nông sản sẽ “thắng lớn” trên các thị trường quốc tế, nhưng cùng lúc đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp sẽ có thể mất thị phần trước những đối thủ nước ngoài có lợi thế chi phí thấp nhờ sản xuất tập trung trên quy mô lớn”, ông Murray Hiebert - chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế ở Washington, Mỹ nhìn nhận.

Sau chuyến đi thực tế tìm hiểu tại Mỹ, ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ khẳng định họ buộc phải tiến hành kiện, bởi tình hình kinh doanh của các công ty và các hộ chăn nuôi gà tại Việt Nam thời gian qua đã quá khó khăn, khi phải cạnh tranh với gà nhập khẩu từ Mỹ.

Tính toán của ông Long cho thấy, trong 16 tháng qua, các nhà chăn nuôi gà Việt Nam chịu thiệt hại khoảng 2,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 120 triệu USD. Mỗi tuần, các công ty và hộ chăn nuôi gà của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cung cấp ra thị trường khoảng 2,4 triệu con gà.

Tuy nhiên, theo các nhà kinh doanh gà Mỹ, cáo buộc bán phá giá của phía Việt Nam là thiếu căn cứ. Họ lập luận, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang so sánh loại thịt gà đắt nhất trong siêu thị Mỹ (là loại được bù giá, nuôi chăn thả, không dùng kháng sinh và đã được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận) với giá đùi gà đông lạnh xuất khẩu theo lô.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm và trứng Mỹ James Sumner cho rằng nhờ vào sản xuất trên quy mô lớn, nguồn thức ăn chăn nuôi rẻ nên gà Mỹ có giá rẻ. Thức ăn chăn nuôi chiếm 70% chi phí sản xuất của ngành.

Ông Summer nhấn mạnh, chi phí chăn nuôi gà của Mỹ thấp nhất thế giới.

Số liệu từ Hiệp hội Gia cầm và trứng Mỹ cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 54.036 tấn thịt gà Mỹ, trong đó chủ yếu là đùi gà.

Ai được, ai thua?

Những vụ việc liên quan đến ngành chăn nuôi gà diễn ở thời điểm nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ nằm trong nhóm nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

Ông Alan Pham, chuyên gia kinh tế trưởng tại Vina Capital, dự báo GDP của Việt Nam sẽ có thể tăng trưởng hơn 30% trong 10 năm nhờ TPP. GDP quý 3/2015 của Việt Nam tăng trưởng 6,81% nhờ đầu tư và xuất khẩu.

Dù đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng của một số ngành khi gia nhập TPP, nhiều chuyên gia được Bloomberg tham vấn vẫn lo ngại về khả năng một số ngành sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Một số người từng tin rằng Việt Nam sẽ không bao giờ mất lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ vào chi phí nhân công thấp, thế nhưng những lùm xùm xung quanh việc nhập gà Mỹ thời gian qua cho thấy ngành nông nghiệp, chăn nuôi thực sự cần phải gấp rút thay đổi.

Theo ông Tony Foster, chuyên gia tư vấn luật của công ty Freshfields Bruckhaus Deringer LLP tại Việt Nam, số lượng những vụ kiện như trên sẽ ngày một gia tăng, khi ngày một nhiều thỏa thuận thương mại song phương, đa phương có hiệu lực.

Ông cho rằng, thực ra Việt Nam mới chỉ mở cửa dần dần trong thời gian gần đây và đang hội nhập sâu hơn vào thương mại toàn cầu.