Gamuda Land: Tìm kiếm quỹ đất mới, mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam
Ông Angus Liew - Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC) cho biết, tổng hành dinh Gamuda Land đã sẵn sàng rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng quy mô hoạt động trong 1, 2 năm tới...
“Tìm kiếm quỹ đất mới, mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam là mục tiêu chiến lược trong thời gian tới", đây là chia sẻ mới nhất của ông Angus Liew - Tổng giám đốc Gamuda Land (HCMC). Ông cho biết, tổng hành dinh Gamuda Land đã sẵn sàng rót hàng tỷ USD vốn đầu tư vào Việt Nam để mở rộng quy mô hoạt động trong 1, 2 năm tới.
Như vậy, nhà kiến tạo đô thị đến từ Malaysia là doanh nghiệp khối ngoại đầu tiên đã đưa ra những động thái tích cực, dự kiến sẽ khuấy động thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian sắp tới đây.
CHỦ ĐẦU TƯ TÁO BẠO THÍCH CHƠI "GAME KHÓ"
Năm 2007, Gamuda Land chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Thay vì chọn quỹ đất ở những vị trí đẹp có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, ông lớn bất động sản Malaysia liều lĩnh đặt niềm tin vào việc phát triển dự án từ những vùng đất tưởng chừng đã “bị lãng quên” tại hai thành phố lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP.HCM.
Ông Angus Liew - Tổng giám đốc đương nhiệm của Gamuda Land (HCMC) chia sẻ thêm: “Vào thời điểm đó chúng tôi nhận định đây sẽ là một hướng đi đầy thách thức. Nhưng với kinh nghiệm gần 30 năm trong lĩnh vực phát triển bất động sản, uy tín và thương hiệu đã được khẳng định ở nhiều khu đô thị và các dự án cao ốc tích hợp quy mô lớn tại nhiều quốc gia, chúng tôi tự tin sẽ biến thách thức thành cơ hội để khẳng định năng lực của mình tại thị trường Việt Nam”.
Sự hiện diện của hai khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế Celadon City (TP.HCM) và Gamuda City (Hà Nội) là minh chứng cho thấy Gamuda Land đã “đánh thức” thành công những vùng đất hoang hóa, tạo ra những giá trị tăng trưởng vô cùng tiềm năng cho bất động sản các khu vực này.
Hơn chục năm trước, với địa hình trũng và diện tích ao đầm lớn, khu vực Yên Sở ngập lụt và ô nhiễm trầm trọng bởi đây là “rốn nước” khổng lồ của thành phố. Nhiều chủ đầu tư luôn “né” Yên Sở khi phát triển dự án bởi thực trạng trên đồng nghĩa chi phí xây dựng bị đội lên rất cao mà chưa chắc thu hút dân cư. Thế nhưng, Gamuda Land lại không ngần ngại đương đầu với thách thức đó, bắt tay cải tạo Yên Sở thành công viên sinh thái lớn nhất thủ đô ngày nay. Với tổng số vốn đầu tư ban đầu trên 5 tỉ USD và quy mô trên 500 ha, công viên Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải Yên Sở và đại đô thị Gamuda City đã làm biến đổi diện mạo phía Nam Hà Nội.
Còn tại TP.HCM, Celadon City từ khu đất 82ha hoang vắng, cỏ dại um tùm, đường đất lầy lội, là nơi chăn thả gia súc thuộc phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) của hơn mười năm trước, giờ đây đã mang một hình hài khác - khu đô thị lớn nhất khu Tây Sài Gòn.
Cả Celadon City và Gamuda City đều được phát triển dựa trên triết lý "lắng nghe miền đất" và phát triển bền vững. Triết lý này quyết định đến cách thức quy hoạch tổng thể của Gamuda Land trong phát triển dự án và kinh doanh là tôn tạo, bảo tồn môi trường tự nhiên. Chính bởi vậy, hai dự án này đã trở thành những khu đô thị kiểu mẫu nổi bật, bởi không chỉ có hạ tầng và tiện ích tiêu chuẩn quốc tế, mà còn sở hữu hệ sinh thái vô cùng trong lành và dồi dào sức sống, là những “lá phổi xanh” đóng góp rất lớn cho việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
THAM VỌNG MỞ RỘNG QUY MÔ TẠI VIỆT NAM
Cải tạo những vùng đất nghèo tiềm năng, kế đó phát triển thành các khu đô thị xanh bền vững quy mô lớn là một hướng đi đầy thách thức và mạo hiểm. Những tưởng đó là việc “rỗi hơi, ngược đời”, thế nhưng thực tiễn cho thấy chiến lược táo bạo này đã mang về cho Gamuda Land những “quả ngọt” xứng đáng, qua đó thể hiện tầm nhìn chiến lược đột phá của nhà phát triển đến từ Malaysia.
Sau hơn 10 năm triển khai dự án, hiện tại mặt bằng giá đất nền, căn hộ tại Gamuda City nói riêng và khu vực Yên Sở - Hoàng Mai nói chung đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm năm 2007. Còn tại quận Tân Phú, TP.HCM, nếu như năm 2009, giá căn hộ tại đây dao động từ khoảng 15 triệu đồng/m2 đến 25triệu /m2, thì hiện tại đã thiết lập mặt bằng giá mới là từ 40 triệu đồng/m2 đến 75 triệu đồng/m2, tăng gấp 3 lần sau khi có sự xuất hiện của Celadon City.
Xu thế hiện nay cho thấy người mua nhà tại Việt Nam đã ngày càng khó tính hơn. Không chỉ là một nơi để ở, khách hàng giờ đây có những tiêu chí khắt khe hơn, đòi hỏi một không gian sống lý tưởng với môi trường trong lành, khỏe mạnh. Những dự án nào đáp ứng được các yêu cầu này, sẽ dễ dàng thu hút được người mua. Sự thành công với chiến lược “tạo lập địa điểm” hiệu quả là minh chứng sống động cho năng lực, chiến lược và tầm vóc đáng nể của nhà kiến tạo đô thị đến từ Malaysia.
Mục tiêu hàng đầu hiện nay của nhà phát triển bất động sản ngoại này là chú trọng tìm kiếm các quỹ đất và đối tác xứng tầm, biến việc tích luỹ quỹ đất rộng lớn trở thành lợi thế để khẳng định cam kết dài lâu trong hành trình kiến tạo những khu đô thị đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển bền vững và đóng góp những giá trị tích cực cho cộng đồng dân cư cũng như thị trường bất động sản.
"Từ lâu, Gamuda Land đã xem Việt Nam là ngôi nhà thứ hai của mình bên cạnh quê hương Malaysia", ông Angus Liew nhấn mạnh. “Những thành tựu đạt được trong hơn một thập kỉ qua tại đất nước xinh đẹp này là nền tảng vững chắc để chúng tôi tiếp tục tìm kiếm quỹ đất, mở rộng xây dựng những tổ ấm lý tưởng cho người dân Việt Nam. Gamuda Land luôn chào đón các cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác có chung hệ giá trị để cùng nhau kiến thiết một Việt Nam xanh và thịnh vượng”.