Gần 1.700 doanh nghiệp tại Thanh Hóa cần tuyển 45.000 lao động
Số lao động cần tuyển chiếm đa số là lao động phổ thông, chủ yếu trong các các ngành may mặc, giày da, nhựa, bao bì và công nhân kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp...
Theo thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn toàn tỉnh này hiện có gần 1.700 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng khoảng 45.000 người.
Trong đó, số lao động cần tuyển chiếm đa số là lao động phổ thông, chủ yếu trong các các ngành may mặc, giày da, nhựa, bao bì và công nhân kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp... Tuy nhiên, do phần lớn yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp không cao, nên khả năng đáp ứng về nguồn cung lao động của tỉnh khoảng 95%.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 15 phiên giao dịch việc làm, với 266 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 8.732 lượt người lao động tham gia tuyển dụng; qua đó, kết nối việc làm thành công cho 1.291 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Thực hiện giới thiệu 55 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và 10 doanh nghiệp tuyển lao động trong nước về phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tuyển lao động trên địa bàn.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu tạo việc làm mới cho 58.000 lao động, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài là 6.000 người, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 2,65% và tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn xuống còn 5,65%. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp xuống còn 30,5%, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt 42,2% và lĩnh vực dịch vụ đạt 27,3%...
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động gắn với giới thiệu việc làm mới. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Tăng cường nguồn vốn cho quỹ Quốc gia giới thiệu việc làm mới, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, giải ngân nhanh cho người lao động, tăng hiệu quả nguồn vốn vay giới thiệu việc làm mới.