Gần 10.900 tỷ đồng vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế TP.HCM
Đến hết tháng 5/2024, TP.HCM giải ngân gần 10.900 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ. Cùng với đó, nhiều chỉ số kinh tế của thành phố ghi nhận chuyển biến tích cực sau 5 tháng đầu năm…
Năm nay, TP.HCM được giao khoảng 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nên ngay từ đầu năm UBND thành phố cùng các chủ đầu tư, sở ngành quận huyện và các nhà thầu tổ chức họp hàng tuần để giải quyết các vướng mắc dự án, thúc đẩy giải ngân.
Trong đó, thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát; khép kín các đoạn của Vành đai 2 dở dang, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và tiến tới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2.
GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG TÍCH CỰC
Báo cáo kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy tính đến hết ngày 24/5, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 6.705,2 tỷ đồng, đạt 8,5% so với kế hoạch vốn năm 2024.
Ước tính đến hết tháng 5/2024 giải ngân đạt 10.895,2 tỷ đồng, đạt 13,7% kế hoạch và tăng 18% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 giải ngân đạt 9.230,3 tỷ đồng, đạt 13,1% Kế hoạch).
Tại phiên họp về kinh tế xã hội tháng 4, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết để đạt được kế hoạch, mỗi tháng thành phố phải giải ngân ít nhất 10.000 tỷ đồng.
Do đó, cùng với việc giao Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công hàng ngày, hàng tuần, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư, sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tiếp tục có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, Ban Quản lý đường sắt đô thị, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc UBND thành phố và các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu công khai các dự án giải ngân 0% của Bộ Tài chính và các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.
Theo đó, các đơn vị thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.
Theo Cục Thống kê thành phố, trong các dự án trọng điểm trên địa bàn, tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Trong đó, ga ngầm Bến Thành đã cơ bản hoàn thiện, chờ bàn giao trước khi vận hành.
Dự án có tổng cộng 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao, trong đó 2 cầu bộ hành đã hoàn thiện kiến trúc, dự kiến trong tháng 5/2024 sẽ hoàn thiện thêm 3 cầu kết nối.
Đối với dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), công tác di dời, bàn giao mặt bằng đạt hơn 90%, các nhà thầu đang di dời và tái lập hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị khởi công các gói thầu chính vào năm 2025. Dự kiến, tháng 7/2024 hơn 400 cây xanh sẽ bị chặt hạ, di dời để lấy mặt bằng thi công dự án.
Dự án Thành phần 2 đường Vành đai 3 thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 98,4%. Còn dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 được chia làm 14 gói thầu xây lắp, trong đó có 10 gói thầu xây lắp chính đã đấu thầu xong và đang triển khai đảm bảo đúng tiến độ dự án.
Trong đó, dự án thành phần Cầu Nhơn Trạch - cầu lớn nhất nối TP.HCM và Đồng Nai bước sang giai đoạn lao lắp dầm, hiện đạt 70% khối lượng sau 19 tháng thi công, mặt bằng xây dựng đoạn qua Thành phố đã bàn giao toàn bộ cho công tác thi công.
Riêng với dự án mở rộng Quốc lộ 50 gồm 7 gói thầu xây lắp; trong đó 4/7 gói xây lắp làm đường song hành Quốc lộ 50 đạt khoảng 53% khối lượng và dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và 3/7 gói thầu mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường cho 11 hộ dân (03 hộ dân tại gói XL1 và 08 hộ dân tại gói XL2) gây nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, dự kiến bàn giao kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.
NHIỀU CHỈ SỐ KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Theo Cục Thống kê thành phố, doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng, hàng hóa dồi dào, đa dạng. Riêng doanh thu nhóm du lịch lữ hành giảm nhẹ so với tháng trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong kỳ nghĩ lễ của tháng 4.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 ước đạt 93.240 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 458.049 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Nhằm đẩy mạnh sức mua trên thị trường 6 tháng cuối năm 2024, thành phố đã ban hành Kế hoạch 2690/KH-UBND ngày 15/5/2024 về việc tổ chức Chương trình khuyến mãi tập trung – Mùa mua sắm “Shopping Season” trên địa bàn TP.HCM năm 2024 (đợt 1 từ ngày 15/6/2024 - 15/9/2024, đợt 2 từ ngày 15/11/2024 - 31/12/2024).
“Thành phố tích cực thực hiện chương trình khuyến mãi tập trung năm 2024 để tạo hiệu ứng lan tỏa kích cầu mua sắm, đồng thời thúc đẩy liên kết kinh tế các tỉnh thành trong khu vực phía Nam”, Cục Thống kê thành phố cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Cục Thống kê TP.HCM nhận định hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 năm 2024 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng năm 2024, IIP thành phố tiếp tục đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (5 tháng năm 2022 tăng 3,7%; 5 tháng năm 2023 tăng 1,4%).
Tuy nhiên, đầu tư FDI vào thành phố vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ, tính đến ngày 20/5/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố đạt 948,9 triệu USD, giảm 17,1%.
Trong đó, cấp mới có 464 dự án, tăng 24,1% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 153,9 triệu USD, giảm 23,0%; Điều chỉnh vốn đăng ký có 72 dự án, giảm 40,5% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 87,7 triệu USD, bằng 21,7%; Góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 823 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn là 707,3 triệu USD, tăng 30,7% về vốn so với cùng kỳ.