07:55 28/05/2024

Gần 14.000 người được giải quyết hưởng lương hưu trong 4 tháng đầu năm

Phúc Minh

Trong 4 tháng đầu, Bảo hiểm xã hội các địa phương đã giải quyết cho 13.943 người hưởng chế độ hưu trí, tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023. Quyền lợi của người hưởng được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa thông tin về việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong những tháng đầu năm 2024.

Theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã giải quyết cho 20.902 người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hằng tháng, tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số này, có 13.943 người hưởng chế độ hưu trí, tăng 3,37% so với cùng kỳ năm 2023; 430.839 người hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tăng 0,63%.

Trên 2,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, trong đó, có 107.922 người hưởng dưỡng sức phục hồi sức khỏe (tăng 33,51% so với cùng kỳ năm 2023).

Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 212.212 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 5.238 người hưởng hỗ trợ học nghề, góp phần hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống và sớm quay trở lại thị trường lao động.

Về giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm y tế, tính đến hết tháng 4/2024, ngành Bảo hiểm xã hội đã thực hiện giám định, thanh toán 57,552 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng trên 3,07 triệu lượt khám chữa bệnh so với cùng kỳ năm 2023).

Số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là gần 42.497 tỷ đồng, chưa bao gồm số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của khối lực lượng vũ trang.

Trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã phối với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế.

Tại các địa phương, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh để giải quyết các vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành được hướng dẫn bổ sung hồ sơ, đủ căn cứ thanh toán, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh, và đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia.

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách được giải quyết kịp thời.

Đơn cử như, gần đây, khi xảy ra vụ việc nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Cửu đã gửi các văn bản đôn đốc, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để phối hợp giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị nạn trong thời gian sớm nhất.

Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cùng Đoàn công tác tới thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi tại tỉnh Đồng Nai xảy ra ngày 1/5/2024. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cùng Đoàn công tác tới thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân trong vụ nổ lò hơi tại tỉnh Đồng Nai xảy ra ngày 1/5/2024. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Tương tự, tại vụ tai nạn lao động nghiêm trọng ở Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), cùng với việc thăm hỏi đơn vị sử dụng lao động và các nạn nhân, Bảo hiểm xã hội thị trấn Yên Bình đã trực tiếp xuống đơn vị hướng dẫn việc lập hồ sơ để phối hợp giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, tai nạn lao động cho người lao động, góp phần động viên, hỗ trợ người lao động và gia đình vượt qua khó khăn.

Bên cạnh thực hiện chế độ, chính sách cho người tham gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tập trung cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án số 06 của Chính phủ vào quy trình, nghiệp vụ.

Chẳng hạn như: Tăng cường triển khai các phần mềm liên thông, thực hiện giao dịch điện tử, các dịch vụ công trực tuyến... Nhờ đó, đã rút ngắn thời gian, thủ tục, tiết kiệm tối đa thời gian, công sức, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Đối với lĩnh vực chính sách y tế, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ, đặc biệt là triển khai sử dụng hiệu quả Phần mềm Giám định bảo hiểm y tế.

Phần mềm này luôn được điều chỉnh, bổ sung các chức năng, các biểu mẫu mới, cập nhật mới các quy tắc giám định dữ liệu đề nghị thanh toán, các quy tắc kiểm tra danh mục, kiểm tra hợp đồng khám chữa bệnh,... phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý, giám sát, giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ Trung ương đến địa phương.