10:17 18/05/2024

Thông tin mới về mức lương hưu thấp nhất khi cải cách tiền lương từ 1/7

Thu Hằng

Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng). Tuy nhiên, khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 tới, cần có hướng dẫn để xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất...

Chi trả lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.
Chi trả lương hưu tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hiền.

Chính phủ vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó làm rõ thêm về căn cứ xác định mức lương hưu thấp nhất khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7 tới đây.

Về quy định mức lương hưu thấp nhất, Chính phủ cho biết, Khoản 5 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở.

Quy định này chỉ áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng, như vậy mức lương hưu thấp nhất hiện là 1,8 triệu đồng/tháng.

Quy định trên không áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hưởng lương hưu mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo báo cáo của Chính phủ, thể chế hóa chủ trương Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng giảm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Trong khi đó, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất. Tuy nhiên, chỉ những người lao động đóng bảo hiểm xã hội có tiền lương tháng bằng, hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng, mới được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Vì vậy, việc sửa đổi như trên nhằm phù hợp với khả năng tham gia của một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được bổ sung, như: Người lao động làm việc không trọn thời gian; chủ hộ kinh doanh; người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Đồng thời cũng phù hợp với việc điều chỉnh giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm. Từ đó giúp nhiều người có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng.

Như vậy, Chính phủ thống nhất nhận định, việc quy định như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 nêu trên là không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, tới đây theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, là sẽ không còn mức lương cơ sở.

Ngoài ra, thông lệ các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống hưu trí đa tầng thì tầng thấp nhất của hệ thống đa tầng chính là mức "lương hưu" thấp nhất.

Do vậy, khi bỏ lương cơ sở thì cần có hướng dẫn để xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất. 

Công thức tính lương hưu hiện đang được quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sẽ phụ thuộc vào tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng của người lao động, và có nhân với hệ số trượt giá (hay hệ số điều chỉnh tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội) tương ứng hàng năm.

Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45%, cao nhất 75% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được thảo luận tại tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.