Gần 2 tháng bay màu với thuế quan VN-Index chính thức về bờ, nhưng hàng loạt cổ phiếu vẫn lặn sâu dưới đáy
Sau gần 2 tháng kể từ ngày chỉ số bay màu rơi 250 điểm khi Mỹ bất ngờ công bố thuế đối ứng với hàng loạt các quốc gia với riêng Việt Nam lên tới 46%, đến nay VN-Index đã quay về vùng đỉnh cũ. Tuy nhiên, hàng loạt cổ phiếu vẫn loay hoay ngoi ngóp chưa phục hồi, ngoại trừ một số nổi bật đến từ họ nhà Vin....

Ngày 2/4, Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới được áp dụng. Kết quả cho thấy nhiều quốc gia bị áp thuế tối thiểu 10%; Việt Nam bị áp thuế 46% đối với tất cả mặt hàng nhập khẩu (ngoại trừ vàng, nhôm, thép). Đây là con số gây bất ngờ đối với thị trường chứng khoán. Ngay phiên 3/4, VN-Index bay màu hơn 81 điểm, tụt sâu về vùng giá 1.236, với 247 mã giảm hết biên độ trên toàn bộ ba sàn.
Chỉ số tiếp tục bốc hơi rơi về 1.073 điểm và sau đó nỗ lực hồi phục với hàng chục pha tăng giảm giằng co đan xen. Đến ngày 21/5, sau gần 2 tháng Mỹ công bố thuế đối ứng 46%, chỉ số đã hồi phục về vùng đỉnh cũ 1.321 điểm.
Nỗ lực hồi phục trong giai đoạn này chủ yếu đến từ việc Mỹ hoãn áp thuế quan với Việt Nam trong 90 ngày và đang đàm phán; Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc đã đưa ra thỏa thuận “hòa hoãn”, với mức thuế lên Trung Quốc giảm về 30%.
Ở trong nước, Quốc Hội vừa thông qua Nghị quyết 68 về phát triển Kinh tế tư nhân. Sau Đổi mới năm 1986, đây là lần thứ hai mà Việt Nam có một giai đoạn đổi mới mạnh mẽ về lĩnh vực kinh tế tư nhân. Ngân hàng Nhà nước tung gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực hạ tầng, công nghệ số. Cùng với hàng loạt các giải pháp thúc đẩy đầu tư công trong nước được thực thi đã mang lại kỳ vọng tích cực cho thị trường chứng khoán hồi phục.
Mặc dù vậy, thống kê cho thấy, trong giai đoạn này đã có sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu trong cùng một nhóm ngành. Sự tăng trưởng của VN-Index chủ yếu đến từ bất động sản, đặc biệt là nhóm VinGroup, bên cạnh đó là nhóm ngân hàng, còn lại hầu hết các nhóm ngành khác vẫn chưa quay về vùng giá cũ.
Cụ thể, tính từ phiên 10/4/2025 khi Vn-Index bắt đầu hồi phục đến nay, cổ phiếu VIC tăng tới 63,86%, VHM tăng 38,76%; VRE tăng 42,78% trong khi Vn-Index hồi phục 23% so với phiên tạo đáy. Ngoài ra, cổ phiếu VPL mới niêm yết gần đây cũng tăng mạnh 34,78%. Đây là nhóm kéo điểm chính cho VN-Index hồi phục trong giai đoạn vừa qua. Đáng chú ý, chỉ riêng 4 cổ phiếu VIC, VHM, VRE và VPL đóng góp đến gần 11 điểm trong phiên 20/5. Tính từ đầu năm, thị giá VIC đã tăng 130,83%; VHM tăng 68,25%; VRE tăng gần 50%.
Ngoài ra, còn một số cổ phiếu khác cũng tăng khá đóng góp đà hồi phục của Vn-Index như TCB, GEE, MBB, SHB, LPB, HVN.

Sự bùng nổ ở nhóm cổ phiếu Vin được đánh giá là do ba yếu tố chính: Thứ nhất, là VPL của Vinpearl chính thức niêm yết mang lại kỳ vọng lớn cho nhà đầu tư. Thứ hai, Tập đoàn Vingroup là một trong các nhà thầu tham gia dự án xây dựng cầu Tứ Liên – một trong những dự án hạ tầng trọng điểm của Hà Nội, vừa chính thức khởi công sáng 19/5.
Đặc biệt, gần đây, VinSpeed, công ty con của Tập đoàn Vingroup, đã đề xuất sẽ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng tương đương khoảng 61,35 tỷ USD, không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

Ở chiều ngược lại, hầu hết các nhóm ngành còn lại vẫn chưa thể về được vùng giá cũ. Theo đó, hiệu suất nhóm thủy sản vẫn âm 23,3% so với vùng đỉnh cũ 1.300 - 1.315 điểm; Cao su âm 20,6%; Dệt may 18,8%; Bất động sản khu công nghiệp - 16,2%; Bảo hiểm -14,9%; Công nghệ -14,8%; Chứng khoán -7,3%; Xây dựng và Vật liệu Xây dựng - 7,7%.
Các cổ phiếu tiêu biểu của từng ngành như ANV vẫn giảm 8,79% từ đỉnh cũ; VHC -14,33%; MPC -23,13%. Bất động sản khu công nghiệp có KBC vẫn -13,42%; SIP -22,48%... Dệt may có MSH -15,54%; TNG -19,73%...
Nhận định về xu hướng thị trường, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng với những cổ phiếu dẫn dắt, nhà đầu tư không nên kỳ vọng xu hướng sẽ dừng lại.
Riêng VIC, khi nào cổ phiếu này mất đường MA50 thì mới có thể đạt đỉnh. Còn hiện tại, mức 80.000, 100.000 hay 120.000 đồng/cổ phiếu là hoàn toàn do xu thế của thị trường, cùng nhóm VHM, VRE. Những cổ phiếu xanh trong phiên này đều sẽ là cổ phiếu dẫn dắt thị trường trong nửa cuối năm, bao gồm nhóm Bất động sản (VIC, VHM, VRE), nhóm ngân hàng (VPB, TCB, ACB và HDB), nhóm bán lẻ (MWG, VNM)…
"Từ khóa sẽ là “phân hóa”. Những doanh nghiệp xuất khẩu hoặc liên quan đến FDI sẽ bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ chịu tác động từ tâm lý người tiêu dùng. Nhưng nhóm Bất động sản, ngân hàng, năng lượng sẽ là những cổ phiếu cần chú ý cho nửa cuối năm", ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Đức, hiện có hai kịch bản cho thị trường Việt Nam. Thứ nhất, thị trường sẽ dừng lại và chuyển sang xu hướng giảm. Nhưng vì mới chỉ tăng 38%, trong khi đó phần lớn thị trường bò trong quá khứ tăng hơn 100%, nên dư địa tăng vẫn còn ít nhất 70%. Mức này tương ứng VN-Index đạt 1.900 – 2.000 điểm. "Tôi hiện đang thiên về quan điểm thị trường sẽ tăng mạnh như 2016 – 2017. Với sự dẫn dắt của những cổ phiếu lớn như VPB hay VIC, kết quả này có thể sớm xảy ra", ông Đức nhấn mạnh.
Do đó, trong giai đoạn này, theo ông Đức nhà đầu tư không nên giữ cổ phiếu dưới 70% danh mục. Trong trường hợp thuế quan gây rung lắc, có thể giải ngân nốt 30% còn lại ở các cổ phiếu không bị tác động bởi thuế quan, chẳng hạn như nhóm ngân hàng với định giá rẻ.