10:50 17/06/2024

Gần 20.000 vụ án được đưa ra xét xử trực tuyến

Đỗ Mến

Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội...

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.

Chiều 16/6, Ủy Ban Quốc gia về chuyển đổi số phối hợp với TAND tối cao tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ở Việt Nam, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm, quan trọng của cải cách tư pháp, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.

Việc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đã tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, là điểm nhấn của chiến lược cải cách tư pháp, giúp chúng ta bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới.

Thời gian qua, TAND tối cao đã đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của Tòa án, qua đó góp phần tạo ra những giá trị lớn lao cho xã hội, giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Chánh án TAND tối cao, Hội nghị là cơ hội để trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm triển khai về chuyển đổi số của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, qua đó giúp TAND có thêm kinh nghiệm đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa Tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Báo cáo công tác chuyển đổi số trong TAND cho thấy, một trong những mục tiêu quan trọng của Tòa án điện tử là hướng tới phục vụ người dân, cung ứng cho nhân dân các dịch vụ tư pháp công hiện đại, thuận lợi và tiết kiệm.

Đến nay, TAND tối cao đã thực hiện cung cấp được một số dịch vụ tư pháp công trực tuyến: gửi, nhận đơn tư pháp, tài liệu, chứng cứ và thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản của Tòa án thông qua phương tiện điện tử; đăng ký trực tuyến cấp sao bản án và tài liệu trong hồ sơ vụ án…

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã hỗ trợ Thẩm phán nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Theo Báo cáo, đến thời điểm này, Trợ lý ảo Tòa án đã cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ thẩm phán như: Hỏi đáp về nội dung văn bản pháp luật, án lệ, công bố bản án, hướng dẫn giải đáp pháp luật và các tình huống pháp lý; Hỗ trợ thẩm phán quản trị công việc, đưa ra các cảnh báo, thông báo, nhắc việc cần làm để đảm bảo thời hạn tố tụng giải quyết các vụ việc được phân công; Hỗ trợ thẩm phán tạo các văn bản tố tụng mẫu theo quy định; Mã hóa, công bố bản án, quyết định lên cổng thông tin điện tử, qua đó giúp giảm 30% khối lượng công việc hành chính so với thao tác truyền thống…

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động Tòa án giúp giải quyết được một số vấn đề nội tại như: mỗi thẩm phản đều có riêng một “Thư kỷ ảo”; giúp tất cả các thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể; hướng dẫn thẩm phán thực hiện các hoạt động tố tụng đúng trình tự, thủ tục, nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định pháp luật; giúp số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của các thẩm phán; tạo sự đồng thuận và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và xã hội…

XÉT XỬ TRỰC TUYẾN GẦN 20.000 VỤ ÁN

Về triển khai xét xử trực tuyến, theo thống kê, tính từ 1/1/2022 đến nay, các Tòa án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án.

Việc triển khai các phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội.

Trong nhiều trường hợp, việc xét xử trực tuyến đảm bảo tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án; tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên tòa; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên tòa, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân do bớt phải đi lại, giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông; giảm thiểu hao mòn tài sản và nhiều tác động xã hội khác.

Ngoài ra, hình thức xét xử này cũng giúp tiết kiệm các khoản chi của ngân sách nhà nước.