07:54 25/05/2021

Gần nửa năm bán miệt mài, khối ngoại còn lại gì ở những "siêu cổ phiếu" Việt Nam?

An Nhiên

VNM, HPG, CTG… đều là những “cổ phiếu hàng hiệu” trên sàn chứng khoán Việt Nam nhưng lại bị khối ngoại xả liên tục suốt từ đầu năm đến nay. Hiện, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại còn lại bao nhiêu?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo thường niên 2020 của VNM mới công bố gần đây cho thấy, tính đến ngày 6/1/2021, cơ cấu cổ đông của VNM gồm: 42,25% nhà đầu tư trong nước và 57,75% nhà đầu tư nước ngoài với lượng cổ phần tương ứng lần lượt là 883 triệu cổ phần và 1.206,9 triệu cổ phần.

Trong danh sách 20 cổ đông lớn nhất của VNM ngoài Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì chủ yếu là khối ngoại với hai cái tên nổi tiếng là F&N Dairy Investments Pte Ltd sở hữu 17,69% và Platium Victory Pte.Ltd với 10,62%. Một số cổ đông ngoại khác như F&Nbev Manufacturing Pte.Ltd (2,7%), Employees Provident Fund Broard (1,27%); The Emerging Markets Funds of The Genesis Group Trust for Employee Benefit Plans (1,18%) cùng 14 quỹ khác….

Từ đầu năm 2021 đến nay, VNM là mã bị xướng tên nhiều nhất trong danh mục khối ngoại bán ròng với giá trị lên đến 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cập nhật đến ngày 24/5, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VNM vẫn ở mức 54,8%, tức là giá trị mà khối ngoại bán ra chỉ chiếm gần 3% tổng số cổ phần của VNM.

Gần nửa năm bán miệt mài, khối ngoại còn lại gì ở những "siêu cổ phiếu" Việt Nam? - Ảnh 1

HPG của Tập đoàn Hoà Phát cũng là cổ phiếu nằm trong danh sách bán mạnh của khối ngoại từ đầu năm đến nay với giá trị bán lên đến gần 6.000 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Hoà Phát tính đến ngày 31/12/2020 gồm: 30% cổ đông nước ngoài và 70% còn lại là cổ đông trong nước nắm giữ. Tính đến ngày 24/5, cổ đông nước ngoài vẫn còn 29,2% cổ phần tại Hoà Phát. Như vậy, giá trị mà nhà đầu tư nước ngoài bán ra chỉ tương đương 0,8% cổ phần HPG, số này không đáng kể so với lượng cổ phần mà nhà đầu tư ngoại đang đầu tư vào Hoà Phát.

Gần nửa năm bán miệt mài, khối ngoại còn lại gì ở những "siêu cổ phiếu" Việt Nam? - Ảnh 2
Cơ cấu cổ đông tại HPG tính đến cuối năm 2020.

Mặc dù vậy, dòng tiền cũng đã chạy khỏi HPG trong suốt năm 2020. Cụ thể, PENM III Germany GMBH & CO.KG (quỹ có liên quan đến Mr Hans Christian - Thành viên HĐQT) đã bán ra 2,53 triệu cổ phiếu HPG giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,31% xuống còn 2,01% tính đến cuối năm 2020.

Từ đầu năm 2021 đến nay, PENM III hai lần liên tiếp bán ra và hiện không còn sở hữu cổ phiếu nào của HPG. Bù lại nhóm quỹ ngoại Dragon Capital lại đăng ký mua vào HPG nên phần nào đã cân bằng được dòng tiền vào - ra từ khối ngoại.

VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng bị khối ngoại bán ròng khá mạnh từ đầu năm với giá trị 2.775 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông của VPB tính đến ngày 31/12/2020 gồm 77,23% cổ đông trong nước và 22,77% cổ đông nước ngoài sở hữu. Trong số cổ đông nước ngoài thì 0,23% là do cá nhân sở hữu còn lại 22,53% cổ đông tổ chức.

Tính đến ngày 24/5, cổ đông nước ngoài của VPbank đang nắm giữ 20,9% cổ phần, tức là số cổ phiếu khối ngoại “miệt mài” bán ròng từ đầu năm chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của ngân hàng này.

Cơ cấu cổ đông của VPBank trước khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Cơ cấu cổ đông của VPBank trước khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.

Kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 1/2021 song VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam cũng bị khối ngoại bán ròng 1.675 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Tại ngày 31/12/2020, cơ cấu cổ đông của Vietcombank gồm: 74,8% là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 15% là Mizuho Bank Ltd; 10,2% là cổ đông khác. Trong 10,2% cổ đông khác này bao gồm 8,74% là cổ đông cá nhân và tổ chức nước ngoài; 1,46% là cổ đông cá nhân và tổ chức trong nước. Như vậy, tổng số cổ đông nước ngoài tại VCB gồm nhà đầu tư chiến lược và cá nhân, tổ chức sở hữu 23,74% cổ phần.

Tuy nhiên, tính đến ngày 24/5, cổ đông nước ngoài tại VCB còn 23,3% cổ phần, tức là khối ngoại đã bán ra 0,44% cổ phiếu lưu hành của VCB.

Cơ cấu cổ đông VCB trước khi bị bán ròng.
Cơ cấu cổ đông VCB trước khi bị bán ròng.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tính đến 31/12/2021, cơ cấu cổ đông của BIDV gồm 80,99% là Ngân hàng Nhà nước, KEB Hana cổ đông chiến lược nắm giữ 15%; cổ đông khác gồm nước ngoài nắm giữ 2,41% và trong nước 1,6%. 

Thống kê của VnEconomy, tại ngày 24/5, cổ đông nước ngoài nắm giữ 16,7%. Nếu trừ đi số cổ phần mà KEB Hana nắm giữ là 15% thì lượng cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài đang còn sở hữu BIDV là 1,7%. Điều này có nghĩa là so với con số nắm giữ 2,41% từ cuối năm 2020, khối ngoại đã bán ra 0,7% cổ phần và hiện còn giữ lại 1,7% cổ phần BID.

Bên cạnh các cổ phiếu trên, từ đầu năm đến nay, khối ngoại còn bán ròng mạnh ở nhiều mã khác như POW, KDH, GAS, SSI tuy vậy thì số lượng bán ra của nhóm này vẫn không thấm vào đâu so với lượng sở hữu. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư từ trong nước đã hùng mạnh hơn và trở thành nhóm dẫn dắt VnIndex lần lượt vượt đỉnh lịch sử.