Gặp ông Tập, ông Trump nói muốn “san bằng” thương mại Mỹ-Trung
“Chúng tôi muốn làm một điều gì đó để san bằng quan hệ thương mại”, ông Trump nói với ông Tập khi hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc gặp sáng 29/6
Mở đầu cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn ký một thỏa thuận san bằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo được đánh giá có thể mang lại một bước ngoặt mới cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
"Chúng tôi muốn làm một điều gì đó để san bằng quan hệ thương mại", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Trump nói với ông Tập khi hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc gặp. "Tôi cho rằng đó là một việc thực ra rất dễ làm. Tôi cũng nghĩ chúng ta đang tiến rất gần đến điều đó, nhưng rồi có chuyện xảy ra và chúng ta bị trượt lại một chút. Giờ thì chúng ta nhích lại gần hơn. Đây sẽ là một thỏa thuận lịch sử".
Về phần mình, ông Tập nhắc lại phương thức "ngoại giao bóng bàn" hồi thập niên 1970 giúp mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Trung Quốc và Mỹ đều hưởng lợi từ hợp tác, và chịu thiệt hại từ đối đầu", ông Tập nói.
Nguồn thạo tin tiết lộ rằng trước cuộc gặp này, các nhà đàm phán thương mại hai nước đã bàn về một thỏa thuận "đình chiến" mà theo đó hai bên sẽ dừng việc áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau, song song với nối lại cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc từ tháng 5.
Trong buổi sáng thứ Bảy, ông Trump phát tín hiệu Mỹ đã đạt bước tiến trong các cuộc thảo luận với Trung Quốc trước khi ông bắt đầu bữa trưa kết hợp công việc với ông Tập.
Phát biểu trước báo giới, ông Trump cho biết ông sẽ bàn với nhà lãnh đạo Trung Quốc vấn đề hãng công nghệ Huawei, cũng như một thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Ông nói rằng các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có một số tiến bộ trong cuộc gặp vào tối ngày thứ Sáu.
"Có nhiều việc đã hoàn thành vào tối qua", ông Trump nói trước khi gặp ông Tập. "Mối quan hệ với Trung Quốc rất tốt. Việc liệu chúng tôi có đạt thỏa thuận hay không, thời gian sẽ trả lời, nhưng mối quan hệ là thực sự rất tốt".
Người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm rằng giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc có một "mối quan hệ bạn bè rất tốt đẹp".
Vào hôm thứ Sáu, ông Tập Cận Bình được cho là đã ngầm chỉ trích chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Trong một cuộc gặp với lãnh đạo các nước châu Phi, ông Tập cảnh báo về "những hành động bắt nạt" và nói thêm rằng "bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt lợi ích của mình lên trên hết, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nước khác đều sẽ không được chấp nhận".
Một thỏa thuận "đình chiến" thương mại Mỹ-Trung ít nhất cũng sẽ ngăn việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, cho dù đối đầu trên diện rộng hơn ngày càng được xem là điều tất yếu đối với cả Bắc Kinh và Washington.
Trong hơn 1 năm chiến tranh thương mại, ông Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ông Trump vừa qua luôn dọa sẽ áp thuế lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc nếu cuộc gặp của ông với ông Tập không mang lại kết quả tốt đẹp.
Một "điểm nóng" khác trong xung đột Mỹ-Trung là việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách cấm nhằm khiến cho "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc này không thể tiếp cận với công nghệ Mỹ. Trước cuộc gặp ở G20, Trung Quốc tuần này đã kêu gọi Mỹ đưa Huawei khỏi danh sách cấm như một điều kiện để hai bên đi đến một thỏa thuận thương mại.
Ông Trump trước đây vẫn coi giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung, lên tới con số kỷ lục 419 tỷ USD trong 2018, là mục đích chính. Tuy nhiên, gần đây, trọng tâm của Washington đã dịch chuyển sang việc hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ Mỹ. Bắc Kinh đáp trả bằng cách đưa ra những tuyên bố cứng rắn, thể hiện quan điểm sẵn sàng "chiến đấu tới cùng".
Những bất đồng khác giữa hai bên bao gồm Trung Quốc sẽ quy định thế nào về các cải cách mà Mỹ đòi hỏi, bao gồm cải cách về sở hữu trí tuệ và trợ cấp công nghiệp, cũng như việc bao giờ và như thế nào hai bên dỡ thuế quan áp lên hàng hóa của nhau.
Bất chấp sự phản đối của doanh nghiệp Mỹ, ông Trump vẫn khẳng định rằng thuế quan là đòn bẩy quan trọng của Mỹ trước các đối tác thương mại, rằng thuế quan giúp ích cho kinh tế Mỹ và gây thiệt hại cho kinh tế Trung Quốc.
"Tôi có cách nhìn về thuế quan khác với nhiều người khác", ông Trump nói với chương trình Fox Business Network trước khi lên đường dự thượng đỉnh G20. "Nhân đây tôi nói thêm, từ khi thuế quan được áp, thị trường chứng khoán của chúng ta đã tăng mạnh".