07:40 31/10/2008

GDP tăng trưởng âm, chứng khoán Mỹ vẫn khởi sắc

Duy Cường

Ngày 30/10, chứng khoán Phố Wall đồng loạt lên điểm bất chấp GDP của Mỹ trong quý 3 giảm 0,3%

Chứng khoán Phố Wall tăng điểm trong cả ngày giao dịch và khép lại với mức tăng trên 2% của cả ba chỉ số chứng khoán - Ảnh: AP.
Chứng khoán Phố Wall tăng điểm trong cả ngày giao dịch và khép lại với mức tăng trên 2% của cả ba chỉ số chứng khoán - Ảnh: AP.
Ngày 30/10, chứng khoán Phố Wall đồng loạt lên điểm bất chấp GDP của Mỹ trong quý 3 giảm 0,3%.

Các chỉ số đều tăng trên 2%

Giá dầu kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 30/10 đã giảm 1,54 USD/thùng, tương đương -2,8%, đóng cửa ở mức 65,96 USD/thùng.

Ngày 30/10, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, GDP của nước này trong quý 3/2008 đã giảm 0,3% sau khi tăng 2,8%, so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó giới phân tích đã dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 0,5%.

Mặc dù trong mùa hè qua, 168 tỷ USD đã được Chính phủ hoàn thuế cho doanh nghiệp và đặc biệt là người dân Mỹ để kích cầu, tuy nhiên sức tiêu dùng - vốn chiếm tỷ trọng 2/3 GDP của Mỹ, vẫn giảm trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo nhận định của giới phân tích, GDP của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý 4/2008 - quý 1/2009 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn chưa kết thúc và có thể sức tiêu dùng của người dân sẽ giảm mạnh so với trước.

Trong tuần qua, nhu cầu về vốn của các ngân hàng Mỹ đã bớt căng thẳng hơn trước. Theo thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trung bình mỗi ngày các ngân hàng thương mại Mỹ đã vay 388,8 tỷ USD, thấp hơn mức 418,58 tỷ USD trong tuần trước đó.

Liên quan đến kết quả kinh doanh quý 3/2008 của một số tập đoàn ở Mỹ, Tập đoàn ExxonMobil vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2008, theo đó, lợi nhuận sau thuế của hãng đạt 14,83 tỷ USD, tương đương 2,86 USD/cổ phiếu, tăng mạnh so với mức lợi nhuận 9,4 tỷ USD (1,7 USD/cổ phiếu) của quý 3/2007.

Trong khi đó, Tập đoàn Motorola cũng vừa công bố doanh thu trong quý 3 của hãng đạt 7,48 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 397 triệu USD, tương đương 18 cent/cổ phiếu.

Chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng trên 2% nhờ tin vui từ diễn biến của thị trường chứng khoán châu Á, Âu do tác động tích cực trên thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, thông tin nhiều tập đoàn công bố kết quả kinh doanh khả quan đã tác động mạnh đến giới đầu tư. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất trong ngày chính là khối lượng giao dịch đã giảm hẳn so với những ngày trước.

Giá dầu thô phiên này đã giảm xuống giúp chỉ số chung của cổ phiếu khối vận tải hàng không tăng 10,7%. Trong khi đó, cổ phiếu Exxon Mobil vẫn tăng 0,5% nhờ sức cầu mua cổ phiếu mạnh do kết quả kinh doanh khả quan của tập đoàn này.

Cổ phiếu khối công nghệ cũng thành công khi chỉ số chung đã tăng hơn 2%, trong đó, cổ phiếu Apple (AAPL) lên 6,2%, Intel (INTC) tiến thêm 8,2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 189,73 điểm, tương đương 2,11%, đóng cửa ở mức 9.180,69.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 41,31 điểm, tương đương 2,49%, chốt ở mức 1.698,52.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 24 điểm, tương đương 2,58%, đóng cửa ở mức 954,09.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,38 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 4 mã lên điểm thì có 1 mã xuống điểm. Tại sàn Nasdaq, khối lượng giao dịch đạt 2,54 tỷ cổ phiếu. Thị trường cứ có 3 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ

Ngày 30/10, Chính phủ Đức cho biết sẽ sớm đưa ra hàng loạt các giải pháp có trị giá 30 tỷ Euro (39,17 tỷ USD) nhằm thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ khối sản xuất ôtô, xây dựng…nhằm giúp các ngành này phục hồi trở lại.

Chứng khoán châu Âu đã tiếp tục lên điểm, tuy nhiên biên độ tăng trong phiên này là không đáng kể. Các cổ phiếu khối năng lượng phiên này đã sụt giảm mạnh, trong đó cổ phiếu Royal Dutch Shell, Total giảm khoản 4%.

Trong khi đó, quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản của FED đã thúc đẩy cổ phiếu khối ngân hàng tăng mạnh, trong đó, cổ phiếu Deutsche Bank lên 17,7%, cổ phiếu Banco Santander, UniCredit đều tăng lần lượt 3,2% và 4.6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 49,11 điểm, tương đương 1,16%, đóng cửa ở mức 4.291,65, khối lượng giao dịch đạt 2,23 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 1,26%, khối lượng giao dịch đạt 97 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,15%, khối lượng giao dịch đạt 242 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán Châu Á thẳng tiến

Vài giờ sau quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 1% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Hồng Kông và Đài Loan cũng đã đưa ra quyết định tương tự nhằm giảm áp lực trong hệ thống tài chính tại hai thị trường này.

Ngay sau khi cắt giảm lãi suất, FED đã thực hiện 4 hợp đồng hoán đổi tiền tệ với trị giá mỗi hợp đồng là 30 tỷ USD để giúp Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Singapore tăng tính thanh khoản cho thị trường tiền tệ các nước này.

Trong khi đó, nhà đầu tư Nhật cũng đang hướng sự chú ý đến phiên họp ngày 31/10 của Ngân hàng Trung ương nước này để chờ quyết định về lãi suất.

Trước loạt tin tức nhiều ngân hàng trung ương các nước và vùng lãnh thổ cùng cắt giảm lãi suất và dự kiến nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục có quyết định tương tự, thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt lên điểm với biên độ trên 9%, trong đó thị trường Hồng Kông lên gần 13%.

Chứng khoán Nhật phiên này đã tiếp nối ngày thứ ba tăng điểm với biên độ lớn trong tuần nhờ cổ phiếu khối tài chính, cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn tăng vọt.

Đồng Yên phiên này đã mất 1,6% so với USD nên đã đẩy cổ phiếu của nhiều nhà xuất khẩu lớn tiếp tục tăng mạnh, trong đó cổ phiếu Canon tăng 11,4%, cổ phiếu Kyocera lên 9,2%, cổ phiếu Honda tiến thêm 13,1%, cổ phiếu Toyota lên 11,4%, cổ phiếu Mitsubishi tăng vọt thêm 17,9%...

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 817,86 điểm, tương đương 9,96%, đóng cửa ở mức 9,029.76. Khối lượng giao dịch đạt 3,03 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 8 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu mất điểm.

Như vậy, sau 3 ngày tăng điểm liên tiếp, chỉ số Nikkei 225 tăng 26% nhưng vẫn mất 41% giá trị trong năm 2008.

Thị trường Hàn Quốc trong ngày 30/10 đã đón nhận nhiều tin vui khi trên thị trường tiền tệ, đồng Won tăng 14,2% so với USD, mức tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua. Trong khi nhà đầu tư đã tăng mạnh mua vào cổ phiếu và đẩy chỉ số KOSPI tăng kỷ lục.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 115,75 điểm, tương đương 11,95%, chốt ở mức 1.084,72.

Cùng tăng điểm mạnh với thị trường Hàn Quốc, chứng khoán Hồng Kông cũng đã tăng mạnh nhờ tín hiệu tích cực trên thị trường tiền tệ. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Hang Seng tăng 1.627,78 điểm, tương đương  12,82%, đóng cửa ở mức 14.329,80.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này lên 6,29%. Chỉ số Straits Times của Singapore tiến thêm 8,75%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 2,55%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.990,96 9.180,69 Up189,73 Up  2,11
Nasdaq 1.657,21 1.698,52 Up  41,31 Up  2,49
S&P 500 930,09 954,09 Up  24,00 Up  2,58
Anh FTSE 100 4.242,54 4,291.65 Up  49,11 Up  1,16
Đức DAX 4.808,69 4,869.30 Up  60,61 Up  1,26
Pháp CAC 40 3.402,57 3,407.82 Up    5,25 Up  0,15
Đài Loan Taiwan Weighted 4.406,52 4.683,64 Up277,12  Up  6,29
Nhật Nikkei 225 8.211,90 9.029,76 Up817,86 Up  9,96
Hồng Kông Hang Seng 12.702,10 14.329,80 Up1.627,78 Up12,82
Hàn Quốc KOSPI Composite 968,97 1.084,72 Up115,75 Up11,95
Singapore Straits Times 1.671,20 1.814,36 Up143,16 Up  8,57
Trung Quốc Shanghai Composite 1.719,81 1.763,61 Up  43,80 Up  2,55
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg