Gen Z là động lực chính của thị trường bán lại 2022
Sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến 2010, Gen Z lớn lên cùng điện thoại di động, công nghệ mới và mạng xã hội. Họ là thế hệ gắn với selfie, trào lưu video ngắn, tiêu thụ mọi thông tin giải trí, thời trang chỉ với một cú bấm…
Như thông lệ, báo cáo hàng năm của The RealReal về thị trường thời trang được cung cấp bởi dữ liệu từ thị trường trực tuyến lớn nhất thế giới về hàng hóa xa xỉ được xác thực và bán lại, hỗ trợ bởi hơn 28 triệu thành viên và hơn 26 triệu mặt hàng đã bán cho đến nay. Theo báo cáo năm 2022, The RealReal cho rằng người tiêu dùng vẫn đang tìm thấy độ tin cậy và khả năng khám phá từ thị trường đồ cũ.
Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh cách thức bán lại tiếp tục thu hút người mua sắm, vì năm ngoái có thêm 27% người quen với việc bán lại. Cơ sở thành viên của RealReal ghi nhận tăng 23% trong nửa đầu năm 2022, thêm 5,3 triệu người mua sắm mới kể từ năm 2021. Hơn nữa, khách hàng đang mua nhiều hơn khi số lượng hàng mua tại The RealReal nhiều hơn 44% trong năm qua.
Rati Sahi Levesque, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của The RealReal, giải thích: “Giữa những hạn chế về nguồn cung của thị trường sơ cấp, tình hình lạm phát và sự gia tăng từ khủng hoảng khí hậu, người mua hàng và người gửi hàng đều nhìn thấy giá trị kinh tế, môi trường và cảm xúc của việc bán lại. Thông qua việc bán lại, người tiêu dùng ngày càng trở nên hiểu biết hơn, họ đang khám phá các lĩnh vực đầu tư mới và họ đang tham gia vào sự lưu hành hơn bao giờ hết”.
Khi nói đến lượng truy cập, Gen Z truy cập The RealReal nhiều hơn 35% so với năm ngoái, còn Millennials là thế hệ bán lại lớn nhất, đại diện cho khối lượng người mua và người bán lớn nhất trên nền tảng. Tuy nhiên, hai thế hệ khách hàng này đang mua sắm những thứ khác nhau. Trong khi thế hệ Z đang chi tiêu nhiều hơn 186% cho mặt dây chuyền, thì những khách hàng Millennials đang chi tiêu nhiều hơn 107% cho nhẫn đính hôn không có thương hiệu.
Bên cạnh đó, trong khi thế hệ Millennials trở về với thời trang thập niên 1990 vì hoài niệm cá nhân, nhóm khách hàng Gen Z tìm đến với phong cách Y2K vì khía cạnh thẩm mỹ. Theo L’Officiel, nhiều nhà mốt như Marine Serre, Balenciaga và Gucci coi thời trang là phương tiện để hoài niệm quá khứ và trốn khỏi thực tại đầy biến động, giống như cách Gen Z kết hợp những mảnh ghép của phong cách Y2K trong trang phục đương đại. Và khi Gen Z được biết đến là thế hệ có nhận thức cao về tính bền vững và thay đổi xã hội, điều này dẫn đến sự phát triển của thị trường đồ cũ, giúp các cửa hàng bán đồ vintage online bùng nổ.
Depop, ứng dụng bán quần áo cũ trực tuyến, có hơn 90% dưới 26 tuổi và có tới ⅓ số người dùng trong khoảng 16 - 24 tuổi. “Y2K” đã trở thành hashtag phổ biến nhất trên Depop, thể hiện tiềm năng của thị trường trang phục giai đoạn này, với những bộ đồ thể thao Juicy Couture, quần bò cạp trễ hay phụ kiện lấp lánh từng thống trị vào những năm 2000. Trong nửa đầu năm 2022, nền tảng bán lại này cũng chứng kiến doanh số bán đồ sưu tầm tăng 78%. Đặc biệt, nhu cầu đối với quần áo sưu tập đã tăng 439%, vượt xa mọi danh mục cổ điển khác.
Cũng trong báo cáo năm 2022 của The RealReal, xét về thương hiệu, Balenciaga trải qua mức tăng trưởng nhu cầu lớn nhất, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong số mười thương hiệu hàng đầu và Gen Z là động lực chính. Tương tự như vậy, Dior lần đầu tiên lọt vào top 10 kể từ năm 2019, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái và biểu tượng Vintage Gucci Blondie được xem là “It Bag” của năm 2022.
“Không có gì ngạc nhiên khi thấy Christian Dior và Balenciaga là những thương hiệu được thêm vào danh sách đáng chú ý nhất của chúng tôi trong năm nay. Cả hai thương hiệu đều có hai chủ đề chung: sự trỗi dậy của những chiếc túi mang tính biểu tượng của họ và sự hấp dẫn của người nổi tiếng,” Sasha Skoda, Giám đốc cấp cao về trang sức nữ và phụ kiện cho biết. “Chiếc túi Lady Dior, được ưa chuộng vào những năm 90, một lần nữa lại tăng nhu cầu ở tất cả các nhóm tuổi”.
Khi những người nổi tiếng như Bella Hadid và Cardi B được mặc các thiết kế đầu tiên của John Galliano cho Dior, đưa thương hiệu này lên vị trí thứ 5 trong công cụ tìm kiếm thì Balenciaga lựa chọn Justin Bieber và Kim Kardashian làm đại sứ, nhờ thế cũng đã tạo ra sức hút rộng rãi và đưa thương hiệu trở lại danh sách top 10.
Tiến sĩ Duffy từ Trường Kinh doanh Sheffield, thuộc Đại học Sheffield Hallam (Anh), nhận định: "Gen Z đang ngày càng quan tâm đến thế giới, với 94% tin rằng các hành động liên quan đến tính bền vững là cần thiết và chúng ta cần hợp tác để giải quyết các vấn đề quan trọng. Gần như tất cả những người tham gia đều có thái độ tiêu cực đối với thuật ngữ "thời trang nhanh" hay các từ như "không bền vững, phi đạo đức và chất lượng kém". Ông Duffy cho rằng những cô gái Gen Z được khảo sát "thể hiện sự ủng hộ đối với thời trang bền vững bằng cách tuyên bố sẵn sàng trả nhiều hơn cho sản phẩm bán lại hoặc tẩy chay các thương hiệu phi đạo đức".