14:24 02/07/2012

Giá cà phê thế giới khép lại quý 2 tồi tệ

An Huy

Cà phê là một trong những mặt hàng giảm giá mạnh nhất trong quý 2 trên thị trường nông sản thế giới, với mức giảm 6,8%

Thu hoạch cà phê ở Brazil, nước chiếm 1/3 sản lượng cà phê toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Thu hoạch cà phê ở Brazil, nước chiếm 1/3 sản lượng cà phê toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu, giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới thi nhau giảm trong quý 2 vừa qua vì những lo ngại về lực cầu suy giảm. Cà phê là một trong những mặt hàng giảm giá mạnh nhất, với mức giảm 6,8%.

Theo tờ Wall Street Journal, từ lâu, cà phê vẫn được xem là mặt hàng mà giá cả ít chịu ảnh hưởng bất lợi từ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy điều ngược lại. Nông sản này đã chịu áp lực giảm mạnh trên nhiều phương diện trong nhiều tháng qua, từ dự báo về sản lượng cà phê kỷ lục của Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, cho tới nhu cầu suy giảm do các hãng rang xay không muốn mua cà phê loại cao cấp. Thậm chí, ở một số thị trường, người tiêu dùng đang cắt giảm thói quen uống cà phê.

Trong quý 2 vừa qua, giá cà phê arabica trên sàn giao dịch ICE Futures ở Mỹ đã giảm 12,35 cent, còn 1,701 USD/pound. Cuối tháng 6 vừa qua, giá cà phê đã tăng nhẹ trở lại, nhưng vẫn thấp hơn 44% so với mức đỉnh 3,049 USD/pound thiết lập vào tháng 5 năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã giảm 25%.

“Giá cà phê đang thực sự bị tác động bởi một số nhân tố không có lợi”, ông Keith Flury, nhà phân tích thị trường hàng hóa của ngân hàng Rabobank, phát biểu.

Trong quý 2 vừa qua, kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, một phần do cuộc khủng hoảng nợ công leo thang ở khu vực châu Âu, nơi 13 quốc gia đã chính thức rơi vào suy thoái. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thì giảm tốc trong khi sự phục hồi của kinh tế Mỹ vẫn còn mong manh.

Giá cà phê giảm mạnh trong năm nay cho thấy, không mặt hàng nào có thể hoàn toàn tránh được những “cơn gió chướng” kinh tế. Trước đây, giới đầu tư hàng hóa cơ bản vẫn tin rằng, nhu cầu cà phê sẽ chẳng hề suy suyển bất chấp các chu kỳ kinh tế, vì chẳng ai lại “nỡ” bỏ uống một cốc cà phê ưa thích cho dù kinh tế đang gặp khó khăn.

“Điều mà các nhà đầu tư không nhận ra là, sau nhiều năm giá cà phê cao, cùng với kinh tế đến lúc đi xuống, thì người tiêu dùng bắt đầu phải đưa ra lựa chọn”, bà Kona Haque, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc ngân hàng Macquarie Bank, phát biểu.

Với cuộc khủng hoảng nợ công leo thang trong thời gian gần đây, nhu cầu cà phê đã giảm nhanh ở nhiều quốc gia. Wall Street Journal dẫn số liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, người Anh đã giảm lượng cà phê tiêu thụ tới 6,7% trong năm 2011. Nhu cầu cà phê cũng đã giảm 2,6% ở Tây Ban Nha và 1,6% ở Italy. Tuy nhiên, tính trên phạm vi toàn cầu, tiêu thụ cà phê đã tăng 1,7% trong năm 2011, thấp hơn mức tăng trung bình 2,5% mỗi năm kể từ năm 2000.

Cà phê arabica chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự thay đổi khẩu vị của người tiêu dùng. Từ năm 2010-2011, giá cà phê trên sàn ICE Futures tăng hơn gấp đôi, nên một số nhà rangnxay và người tiêu dùng bắt đầu dịch chuyển từ chỗ dùng cà phê arabica sang dùng loại cà phê robusta có chất lượng và giá tiền thấp hơn, với mục đích duy trì tỷ suất lợi nhuận và cắt giảm chi phí. Trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 5 vừa qua, lượng cà phê arabica xuất khẩu của thế giới đã giảm 6,1%, trong khi xuất khẩu cà phê robusta tăng 6,8% - theo số liệu của (ICO).

Bởi thế, tuy giá cà phê arabica giảm nhưng giá cà phê robusta trên sàn NYSE Liffe ở London đã tăng 3,5% trong quý 2, lên mức 2.103 USD/tấn. Tính từ đầu năm, giá cà phê robusta đã tăng 19%. Cà phê robusta chứa hàm lượng caffeine cao gấp đôi so với cà phê arabica và có vị mạnh hơn.

Biến động giá cà phê arabica và robusta từ đầu năm đã thu hút nhiều nhà đầu tư gia nhập thị trường. Nhiều quỹ đầu tư thời gian qua đã đẩy mạnh bán khống cà phê arabica. Từ cuối năm ngoái tới nay, số hợp đồng bán khống cà phê arabica trên sàn ICE Futures đã tăng thêm 55%. Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, số hợp đồng này đã giảm 15% do nhiều nhà đầu tư bán khống thực hiện mua vào để đóng trạng thái khi thấy giá tăng.

Giới phân tích cho rằng, giá cà phê arabica có thể chạm đáy trong vụ thu hoạch diễn ra ở Brazil từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay. Dự kiến, đây sẽ là vụ cà phê lớn kỷ lục của Brazil, nước chiếm khoảng 1/3 sản lượng cà phê của thế giới. Nông dân Brazil đã mở rộng diện tích trồng cà phê và tăng cường sử dụng phân bón để tăng sản lượng sau khi giá cà phê tăng cao vào năm ngoái. Hiện nông dân Brazil vẫn đang tìm cách găm hàng, chờ giá phục hồi thêm mới bán.

“Tôi cho rằng, nông dân cà phê Brazil sẽ bắt đầu bán hàng ra trong 2-3 tháng tới. Đến khoảng tháng 9 thì thị trường sẽ bắt đầu thoát đáy”, bà Haque nhận định. Theo dự báo của bà Haque, giá cà phê arabica sẽ ở mức 1,8 USD/pound vào cuối năm nay.

Trong khi đó, nhà phân tích Flury của Rabobank cho rằng, giá cà phê arabica sẽ ở mức 1,7 USD/pound vào quý 4 năm nay nhờ nhu cầu tăng dự trữ. Tính trên toàn cầu, tỷ lệ dự trữ cà phê so với nhu cầu sử dụng được dự báo sẽ giảm còn 21,5% trong vụ này, mức thấp nhất trong 12 năm.

“Nhu cầu cà phê arabia sẽ tăng mạnh trong 2 quý tới đây”, ông Flury nói.